Thị trường chứng khoán tại Trung Quốc và Hồng Kông chứng kiến đợt sụt giảm về giá trị vốn hóa thị trường đến 4,8 nghìn tỷ USD tính từ năm 2021 đến nay, theo tính toán của Ngân hàng HSBC. Riêng sự sụt giảm này tương đương với giá trị vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán Ấn Độ.
Trong cùng giai đoạn trên, thị trường chứng khoán Ấn Độ (NSE) không ngừng tăng trưởng về quy mô, trong khi đó điều ngược lại diễn ra tại Trung Quốc và Hồng Kông.
Tháng 1/2024, NSE vượt qua thị trường chứng khoán Hồng Kông để trở thành thị trường chứng khoán có quy mô lớn thứ 4 trên thế giới, giá trị vốn hóa thị trường hiện ước tính khoảng 4,63 nghìn tỷ USD. Tại châu Á, thị trường Ấn Độ đứng thứ 3 về giá trị vốn hóa thị trường.
Sự tăng trưởng của thị trường Ấn Độ trái ngược hoàn toàn với sự suy giảm trên thị trường Trung Quốc và Hồng Kông.
Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm liên tục 3 năm, riêng trong năm ngoái đã giảm đến 11,4%. Chỉ số Hang Seng trên thị trường Hồng Kông thậm chí còn sụt giảm mạnh hơn, chỉ số giảm đến 13,8%. Cả hai thị trường này thuộc nhóm sụt giảm sâu nhất trong các thị trường châu Á – Thái Bình Dương vào năm ngoái.
Những nỗi lo tại Trung Quốc không khỏi ảnh hưởng đến thị trường Hồng Kông.
Lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc trải qua nhiều khó khăn suy giảm khiến giới đầu tư tại Trung Quốc và Hồng Kông lo lắng. Nhiều cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc trong đó có cổ phiếu Tập đoàn Evergrande và Country Garden được niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông.
Giới chức Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm 2024, tuy nhiên các chuyên gia phân tích vẫn không ngừng hoài nghi về khả năng liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thực hiện được mục tiêu này hay không. Tổ chức S&P Global Ratings vào tuần trước công bố dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2024, thấp hơn ngưỡng 5,2% của năm 2023.
Trong thư gửi khách hàng mới đây, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings – ông Louis Kuijs nhấn mạnh: “Chúng tôi dự báo về khả năng thị trường bất động sản suy yếu sẽ cần đến các biện pháp hỗ trợ về vĩ mô. Giảm phát hiện vẫn đang là một rủi ro nếu tiêu dùng duy trì ở ngưỡng yếu và chính phủ phản ứng bằng cách kích thích đầu tư nhiều hơn”.
Thị trường bất động sản hiện vẫn là nỗi lo của kinh tế Trung Quốc.
Cựu CEO của sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, ông Nicolas Aguzin, nói với CNBC: “Thị trường nhà đất hiện vẫn đang là nỗi lo lớn ám ảnh kinh tế Trung Quốc. Lãi suất cao cũng như các yếu tố địa chính trị ảnh hưởng đến định giá và làm giảm đi số lượng các doanh nghiệp niêm yết mới trên sàn”.
Thị trường chứng khoán Ấn Độ trong thời gian tăng trưởng mạnh bởi những lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế. Chỉ số Nifty 50 của thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng liên tiếp 8 năm, còn riêng trong năm 2023 chỉ số thị trường đã tăng đến 20%.
Nghiên cứu từ ngân hàng HSBC cho thấy, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã vượt qua thị trường Thượng Hải để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 2 trên toàn cầu nếu tính theo khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của thị trường vẫn thấp hơn thị trường Thâm Quyến.
Còn theo số liệu của công ty kiểm toán E&Y Ấn Độ, số lượng các đợt niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tăng rất mạnh. Đáng nói, điều này diễn ra bất chấp việc môi trường IPO tại châu Á hiện đang không mấy thuận lợi. Sàn chứng khoán Ấn Độ có 229 đợt IPO trong năm ngoái, huy động 6,9 tỷ USD, tăng trưởng đến 48% so với năm 2022.
Theo CNBC,Bloomberg