Trong bối cảnh đó, Masan Group (Hose: MSN) với nền tảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ vững chắc được nhà đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng, ghi nhận bằng những giải thưởng và khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD.
11 năm liền vào "Top 50 công ty niêm yết tốt nhất"
Từ đầu năm 2023 đến nay, Masan liên tiếp được nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế bình chọn, vinh danh tại các giải thưởng danh giá.
Vào tháng 8/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Masan được vinh danh tại Lễ công bố "50 Công ty niêm yết tốt nhất năm 2023" do Tạp chí Forbes tổ chức. Đây cũng là năm thứ 11 liên tiếp Masan có mặt trong bảng xếp hạng này.
Để lọt vào danh sách danh giá này, các công ty niêm yết cần đáp ứng các điều kiện: có lãi trong năm 2022, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, các công ty còn được chấm điểm định lượng trên 5 tiêu chí: tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2018 - 2022.
Sau đó, Forbes Việt Nam tiến hành phân tích định tính để đánh giá sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp thông qua các yếu tố về: vị trí của công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp và triển vọng của ngành.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, tiêu dùng nội địa suy yếu, việc Masan vẫn đạt được sự tăng trưởng, lọt vào danh sách "Top 50 công ty niêm yết tốt nhất" đã thể hiện sự bền vững của mảng kinh doanh cốt lõi tiêu dùng, bán lẻ, cùng nền tảng tài chính vững chắc của doanh nghiệp này.
Đảm bảo quyền lợi cao nhất cho cổ đông, nhà đầu tư
Kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE vào năm 2009, cổ phiếu MSN của Masan Group luôn thu hút sự quan tâm đáng kể từ các cổ đông và nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Chính vì thế, theo chia sẻ từ ban lãnh đạo công ty, công tác Quan hệ cổ đông (IR) luôn được xem trọng, nhằm đảm bảo việc trao đổi thông tin minh bạch, công khai và tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả nhà đầu tư.
Để thực hiện điều này, bộ phận Quan hệ cổ đông luôn duy trì tương tác thường xuyên hàng ngày thông qua nhiều phương thức như gặp trực tiếp, trực tuyến, email và điện thoại, cũng như tổ chức các chương trình thường niên như Đại hội đồng Cổ đông và cuộc tiếp xúc với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Masan cũng tiến hành các cuộc gặp với các chuyên gia phân tích, tổ chức, công ty chứng khoán và quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra, chất lượng báo cáo cũng như việc thành lập ủy ban kiểm toán độc lập, sử dụng các đơn vị kiểm toán uy tín toàn cầu đã cho thấy cam kết của doanh nghiệp này trong việc cập nhật thông tin nhanh chóng và kịp thời, giúp gắn kết mối quan hệ chặt chẽ với các cổ đông và nhà đầu tư.
Trong cuộc bình chọn IR 2023 Award do Vietstock tổ chức, Masan Group ghi danh vào danh sách top 45 doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất, tiến vào vòng chung cuộc bình chọn. Thành công này khẳng định vị thế hàng đầu của Masan trong lĩnh vực quan hệ cổ đông (IR), đạt chuẩn công bố thông tin và có sự tăng trưởng tích cực.
Dòng vốn ngoại “chọn mặt gửi vàng”
Theo ghi nhận, nhà đầu tư nước ngoài đang là điểm trừ trong bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 khi liên tục “xả hàng”. Theo thống kê, khối ngoại đã bán ròng gần 21.000 tỷ đồng từ đầu năm 2023 đến hiện tại.
Tuy nhiên, bất chấp những biến động của thị trường tài chính và bối cảnh tiêu dùng ảm đạm, vào ngày 6/12/2023 vừa qua, Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới Bain Capital đã xác nhận gia tăng khoản đầu tư vốn cổ phần vào Masan thêm 50 triệu USD, nâng mức đầu tư lên 250 triệu USD so với mức 200 triệu USD đã công bố vào tháng 10/2023.
Với trợ lực từ giao dịch với Bain Capital, Masan sẽ có nguồn vốn dồi dào thực hiện các chiến lược tăng trưởng bền vững, và cùng với nền tảng tiêu dùng bán lẻ cốt lõi, doanh nghiệp này sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới khi thị trường hồi phục cùng các điều kiện vĩ mô ấm dần lên.
Những ghi nhận từ các tổ chức tài chính uy tín cùng việc tăng quy mô đầu tư của Bain Capital đã cho thấy sự tin tưởng mạnh mẽ của quỹ ngoại vào triển vọng hồi phục của thị trường tiêu dùng trong nước và đặc biệt là Masan, doanh nghiệp tiêu dùng – bán lẻ đầu ngành của Việt Nam.