Cổ phiếu FBC của doanh nghiệp phân phối phụ tùng cho Honda và Yamaha, có thị giá chưa bằng 4.000 đồng nhưng có thể nhận cổ tức đến 20.000 đồng.
Theo tài liệu họp đại hội cổ đông sắp tới, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên (Fomeco - FBC) lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 200%, tức một cổ phiếu có thể nhận về 20.000 đồng. Nếu được thông qua, công ty sẽ trích 74 tỷ đồng để thực hiện, tương đương 67,5% lợi nhuận sau thuế lũy kế tính đến cuối năm 2023.
Trên thị trường, cổ phiếu FBC niêm yết trên sàn UPCoM, giá 3.700 đồng một đơn vị. Như vậy, mức cổ tức trên cao hơn 5 lần so với giá thị trường.
Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông của Phổ Yên rất cô đặc. Trong đó, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) giữ 51% vốn. Đợt chia cổ tức lần này, VEAM có thể nhận gần 38 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong danh sách cổ đông lớn của FBC, ông Hoàng Công Toán, Thành viên HĐQT hiện sở hữu hơn nửa triệu cổ phiếu FBC. Với mức cổ tức dự kiến 200%, ông Toán sẽ nhận được hơn 10,1 tỷ đồng tiền mặt.
Với lượng cổ phiếu lưu hành nhỏ (3,7 triệu) và cơ cấu cổ đông cô đặc, trên thị trường, cổ phiếu FBC gần như không xuất hiện giao dịch trên sàn UPCoM. Trong khoảng hai năm qua, giá cổ phiếu này đứng im ở 3.700 đồng một đơn vị.
Ngoài ông Hoàng Công Toán, 2 cá nhân khác đang là cổ đông lớn của FBC dự kiến cũng sẽ nhận được hàng tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt gôm ông Hà Thế Dũng (sở hữu 256.480 cổ phần - dự kiến nhận hơn 5 tỷ đồng) và ông Vương Quốc Chính (sở hữu 223.610 cổ phần - dự kiến nhận gần 5 tỷ đồng).
Từ khi lên sàn vào 2017, FBC luôn duy trì chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt cao và đều đặn, 30-65% mỗi năm. Năm 2022, doanh nghiệp này từng tăng tỷ lệ lên 120%.
Cổ đông FBC nhận tin vui sau khi công ty lập kỷ lục lợi nhuận. Năm trước, doanh thu đạt gần 1.050 tỷ đồng, giảm 20% do khách hàng FDI trong nước giảm sản lượng lắp ráp vì không tiêu thụ được xe máy. Ngoài ra, hàng xuất sang Mỹ cũng sụt do ảnh hưởng của bão tuyết và suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, Fomeco vẫn lãi sau thuế gần 73 tỷ đồng, tăng 21% và là mức cao nhất từ trước tới nay. Lý do, giá nguyên vật liệu giảm giúp hạ chi phí, lợi nhuận tài chính tăng nhờ tận dụng nguồn tiền đầu tư để gửi tiết kiệm.
Cơ khí Phổ Yên thành lập từ năm 1974, với tên gọi "nhà máy vòng bi". Sản phẩm chính gồm các loại vòng bi, phụ tùng xe máy, phụ tùng ôtô, con lăn băng tải và các sản phẩm cơ khí khác.
Nhờ lợi thế là công ty con của VEAM - đối tác địa phương của các liên doanh như Toyoya, Honda, Fomeco tiếp cận được nhiều khách hàng lớn. Họ hiện là đối tác cung cấp thiết bị và phụ tùng cho Honda, Yamaha, Suzuki, Nippo, Piaggio, Panasonic...
Năm 2024, Fomeco lên kế hoạch doanh thu giảm về hơn 1.036 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lùi hơn 17%, còn khoảng 60 tỷ. Ban lãnh đạo công ty cho rằng chi phí bán hàng sẽ tăng vì cần chi cho các hoạt động xúc tiến thương mại (triển lãm, truyền thông, khuyến mại...) và logistic. Ngoài ra, họ cũng cần tăng chi phí quản lý do tăng ca, đào tạo, phí chứng nhận chuẩn ISO và kiểm kê khí nhà kính.