Giá vàng tiếp tục tăng lên mức kỷ lục. Vàng giao ngay đạt mức cao mới là 2.449,89 USD/ounce vào ngày 27/5. Bạc cũng đạt mức kỷ lục nhiều năm vào đầu tuần trước và đồng công nghiệp cũng tương tự.
Mặc dù gần đây sức nóng của cả ba kim loại này đều đang giảm nhiệt, chúng vẫn đang giao dịch ở mức gần kỷ lục. Các nhà phân tích dự đoán giá sẽ tăng trong 12 tháng tới.
Điều gì sẽ thúc đẩy sự phục hồi của kim loại quý và kim loại công nghiệp?
Vàng giao ngay hiện đang giao dịch ở mức 2.351,3 USD. ANZ cho biết trong một báo cáo gần đây rằng vàng duy trì đà tăng trong bối cảnh đồng USD tiếp tục yếu đi và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm. Nhưng đó không phải là tất cả.
Các chiến lược gia của ANZ chỉ ra rằng rủi ro địa chính trị thúc đẩy nhu cầu tìm tài sản là nơi trú ẩn an toàn. Nhu cầu vàng của Trung Quốc cũng tăng ấn tượng trong quý 1 năm 2024, góp phần thúc đẩy tăng giá.
Trung Quốc hiện là quốc gia có nhu cầu tiêu dùng vàng thỏi hàng đầu. Nước này đã vượt qua Ấn Độ vào năm 2023 để trở thành nước mua vàng trang sức lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 603 tấn trang sức vàng vào năm ngoái, tăng 10% so với năm 2022. WGC dự đoán nhu cầu trang sức của Trung Quốc sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay, hoặc thậm chí cao hơn so với năm 2023.
Trong một báo cáo tuần trước, các chiến lược gia của UBS đã nâng dự báo giá vàng lên 2.500 USD/ounce vào cuối tháng 9 và 2.600 USD/ounce vào cuối năm. Ngân hàng dự đoán vàng tăng giá dựa trên nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, cùng một loạt dữ liệu yếu của Mỹ trong tháng 4 – thứ khiến các nhà đầu tư đánh giá lại khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) cắt giảm lãi suất.
Lãi suất cao hơn có xu hướng gây áp lực lên vàng, vì chúng khiến trái phiếu (cũng là một tài sản trú ẩn an toàn) trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.
“Chúng tôi nghĩ rằng vàng có thể tiếp tục đạt những đỉnh cao mới”, chiến lược gia kim loại quý Joni Teves của UBS nói với “Street Signs Asia” của CNBC.
“Anh em” của vàng sẽ ra sao?
Bạc có xu hướng “xếp thứ hai” sau vàng, nhưng cả hai đều có mối tương quan khi xét đến giá cả. Giám đốc điều hành Nikos Kavalis tại công ty tư vấn nghiên cứu kim loại quý Metals Focus đánh giá bạc thậm chí còn thú vị hơn. Ông giải thích rằng khi thị trường đã quen với xu hướng tăng giá của vàng, nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển sang bạc.
Thứ Tư tuần trước, bạc vượt mốc 31 USD/ounce, chạm mức cao nhất trong một thập kỷ. Kim loại này đang nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư và chịu thách thức về nguồn cung. Hiện bạc đang giao dịch ở mức 31,6 USD/ounce.
Chiến lược gia Teves nhận định bạc là kim loại quý tốt nhất thực sự hưởng lợi từ giá vàng cao. Bà nói thêm rằng khi FED nới lỏng chính sách, bạc đang ở vị thế tốt để “vượt trội hơn vàng”, đặc biệt là khi vấn đề về nguồn cung xuất hiện.
Chiến lược gia hàng hoá cấp cao Daniel Hynes tại ANZ cho biết sản xuất tại mỏ chậm đi và nhu cầu công nghiệp gia tăng cho thấy nguồn cung đang chậm lại so với cầu. Bạc được sử dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp và thường xuất hiện trong sản xuất ô tô, tấm pin mặt trời, đồ trang sức và đồ điện tử.
Đồng “leo cao rồi bò ngang”?
Thứ Ba tuần trước, đồng đã có thời điểm tỏa sáng, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 10.857 USD/tấn. Hiện đồng giao dịch ở mức 10.256 USD/tấn.
ANZ cho biết giá kim loại đỏ tăng bởi nguồn cung hạn chế trong năm nay. Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) đã cắt giảm dự báo thặng dư nguồn cung kim loại này trong năm nay, do sản lượng thấp hơn dự kiến.
Tháng 11 năm ngoái, First Quantum Minerals đã ngừng sản xuất tại mỏ đồng Cobre Panamá, một trong những mỏ lớn nhất thế giới, sau những cuộc biểu tình về vấn đề môi trường. Nhà sản xuất lớn Anglo American cũng cho biết sẽ cắt giảm sản lượng đồng vào năm 2024 và 2025.
Các chuyên gia của Citi vẫn tin chắc rằng đồng đang trên đường đạt tới 12.000 USD/tấn và 15.000 USD/tấn trong 12-18 tháng tới.
Theo CNBC