Nợ xấu “phình to”, có hơn 3.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB; HoSE: MSB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2024.
Theo đó, trong quý 3, nhà băng này báo lãi sau thuế đạt 978 tỷ đồng, giảm 26,27% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân chính đến từ việc thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi của nhà băng này giảm 1,69% xuống 2.396 tỷ đồng; Hoạt động kinh doanh ngoại hối báo lỗ 130 tỷ đồng, con số này ở cùng kỳ là lãi 566 tỷ đồng. Cùng với đó là việc chi phí hoạt động tăng 7,74% lên 1.163 tỷ đồng và Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 34,04% lên 558 tỷ đồng.
Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của MSB đến từ việc Hoạt động dịch vụ, Mua bán chứng khoán đầu tư và Hoạt động khác tăng mạnh, đem về cho nhà băng này hàng trăm tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, MSB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 3.902 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của MSB là 300.700 tỷ đồng, tăng 12,62% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của khách hàng là 148.471 tỷ đồng, tăng 12,18%; Tiền gửi không kỳ hạn là 34.126 tỷ đồng, tăng 2,43%. Cho vay khách hàng là 170.620 tỷ đồng, tăng 14,4%.
Đáng chú ý, tổng nợ xấu nội bảng của MSB “phình to” so với đầu năm, tăng 14,77% lên 4.913 tỷ đồng.
Trong khi, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 700 tỷ đồng, giảm 32,12% và Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 1.204 tỷ đồng, giảm 16,46%. Ngược lại, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lại tăng “phi mã” 66,46% lên 3.008 tỷ đồng.
Ngoài ra, Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) tăng 24,14% lên 3.280 tỷ đồng. Mặc dù chưa được liệt vào danh sách nợ xấu, tuy nhiên với việc nợ nhóm 2 tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, cho thấy khả năng có thể trở thành nợ xấu là rất cao.
Tỷ lệ nợ xấu của MSB cũng tăng nhẹ từ 2,87% hồi đầu năm, lên 2,88% vào thời điểm cuối tháng 9/2024.
MSB và mối quan hệ mật thiết với hệ sinh thái ROX
Trong danh sanh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên được MSB công bố mới đây, ghi nhận 9 cổ đông tổ chức nắm giữ tổng cộng 875,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 33,69% vốn điều lệ MSB.
Trong đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là cổ đông tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu MSB nhất với hơn 157 cổ phiếu, tương đương 6,05% vốn.
Phần lớn các cổ đông tổ chức còn lại đều có sự liên hệ với nhau. Trong danh sách, CTCP ROX Key Holdings (tiền thân là CTCP TNS Holdings) sở hữu 63,2 triệu cổ phiếu, tương đương 2,43% vốn; người có liên quan cổ đông sở hữu 0,98% vốn ngân hàng, tương ứng 19,5 triệu cổ phiếu.
Rox Key Holdings là thành viên của Tập đoàn đa ngành ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam). Chủ tịch HĐQT ROX Group là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – vợ ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT MSB.
CTCP Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL (cũng nằm trong hệ sinh thái ROX) đang sở hữu 28,06 triệu cổ phiếu, tương đương 1,08% vốn. Người có liên quan cổ đông nắm 1,66% vốn MSB.
Còn CTCP Đầu tư Xây dựng ROX Cons sở hữu 48,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1,87% vốn, người có liên quan cổ đông nắm 92.200 cổ phiếu.
Công ty TNHH Khu nghỉ Dưỡng Bãi Dài nắm 128,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,98% vốn của MSB; Công ty TNHH Thành phố Công nghệ Xanh Hà Nội cũng hiện nắm hơn 129,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,97% vốn điều lệ MSB. Cả 2 công ty này đều có chung Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là ông Phạm Ngọc Vũ.
Bên cạnh đó, còn có 2 tổ chức khác là Công ty Xây dựng và Kinh doanh Cơ sở Hạ tầng Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư sở hữu 129,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,98% vốn điều lệ MSB; Công ty cổ phần Đầu tư Ricohomes sở hữu 129,48 triệu cổ phiếu, tương đương 4,98% vốn ngân hàng.
Quỹ ngoại duy nhất góp mặt trong danh sách cổ đông lớn này là Buenavista Holdings Limited với 61,7 triệu cổ phiếu, tương đương 2,37% vốn.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 31/10, giá cổ phiếu MSB ở mức 12.350 đồng/cổ phiếu, tăng 0,82% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 10,3 triệu đơn vị.