Với kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất, thị trường tài chính đang hưng phấn có thể sẽ sớm bị giảm vui vì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có khả năng đến lúc tăng lãi suất.
Dưới đây là những sự kiện tài chính đáng chú ý sẽ diễn ra trong tuần 1-5/1/2024:
1/ Dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ
“Sức khỏe” của thị trường việc làm Mỹ là điều rất quan trọng để đánh giá liệu kịch bản Goldilocks có tiếp tục diễn ra vào năm 2024 hay không, khiến báo cáo về bảng lương phi nông nghiệp tháng 12 của Mỹ, công bố vào thứ Sáu (5/1/2024) trở thành tâm điểm chú ý nhất của thị trường tài chính lúc này.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ đã hạ nhiệt và lạm phát giảm bớt, cho phép Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn vào năm 2024. Đồng thời, có rất ít dấu hiệu cho thấy nền chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài nhiều tháng đang tạo ra một sự suy thoái trầm trọng cho nền kinh tế này. Những dấu hiệu đi chệch khỏi kịch bản đó - dưới hình thức tăng trưởng việc làm cực kỳ mạnh mẽ hoặc việc làm giảm đột ngột - có thể làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư vào một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng của cường quốc số 1 thế giới.
Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy nền kinh tế Mỹ ước tính đã tạo thêm 158.000 việc làm trong tháng 12/2023, so với 199.000 việc trong tháng 11.
Số việc làm mới của Mỹ trong tháng 12 ước tính giảm.
2/ Dữ liệu lạm phát của Châu Âu liệu có bất ngờ?
Dữ liệu lạm phát của Khu vực đồng Euro cũng sẽ được công bố vào thứ Sáu (5/1), dự kiến sẽ cho thấy lạm phát của Eurozone tháng 12 tăng lần đầu tiên kể từ tháng 4.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy lạm phát của khu vực này tăng lên 3% trong tháng 12, từ mức 2,4% của tháng 11 – tháng đánh dấu mức giảm mạnh hơn kỳ vọng trong ba tháng liên tiếp.
Các nhà kinh tế cho rằng sự gia tăng lạm phát trong tháng 12 phần lớn sẽ là kết quả của các biện pháp hỗ trợ năng lượng từ một năm trước, đặc biệt là ở Đức, nơi chính phủ đã chi trả hóa đơn gas cho các hộ gia đình, nghĩa là giá "cơ sở" để so sánh với giá tháng 12 năm 2023 ở mức rất thấp.
Vì vậy, các nhà đầu tư sẽ phải sàng lọc dữ liệu để đánh giá áp lực giá hiện tại đang gia tăng như thế nào. Mặc dù vậy, nếu lạm phát tháng 12 thực sự tăng sẽ khiến các nhà giao dịch lo lắng bởi họ đang mong đợi ECB sẽ cắt giảm lãi suất 6 lần với 1/4 điểm cơ bản trong năm 2024.
Tin tốt là lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, sẽ tiếp tục giảm, ước tính giảm xuống 3,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2022.
Lạm phát của Eurozone.
3/ Những dấu hiệu cảnh báo.
Cái gì đã lên thì rồi cũng sẽ lúc sẽ phải xuống.
Sự phấn khích về việc cắt giảm lãi suất có nghĩa là các thị trường bước vào năm mới ở mức cao - cổ phiếu ở mức cao nhất trong hơn một năm, lợi suất trái phiếu chính phủ ở mức thấp nhất trong nhiều tháng, giữa bối cảnh rủi ro địa chính trị cũng như nguy cơ vỡ nợ của các công ty gia tăng.
Thước đo nỗi sợ hãi của thị trường, chỉ số VIX, đã chạm mức thấp nhất trong ba năm vào tháng 12, và chỉ báo biến động thị trường trái phiếu kho bạc, MOVE, hiện thấp hơn nhiều so với mức đỉnh cao hồi tháng 3.
Những ngày tới sẽ thử thách niềm tin của các nhà đầu tư. Và nếu năm mới là thời điểm để nhìn lại một năm đã qua, đừng quên những biến cố (khủng hoảng ngân hàng, chiến tranh Hamas-Israel, kết quả bầu cử ở Argentina) rất có thể sẽ khiến nhiều người bất ngờ.
Kết quả của các thị trường năm 2023.
4/ Con đường của BOJ vẫn là ẩn số
Việc đặt cược rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sắp sửa chấm dứt chính sách lãi suất âm đã bị cản trở vào tháng 12, khi ngân hàng này kiên quyết giữ quan điểm ôn hòa.
Tuy nhiên, Thống đốc BOJ, Kazuo Ueda, với thiên hướng thích những điều bất ngờ, đã đưa ra một dấu hiệu về sự đổi hướng, nói rằng "nói chung" việc thoát khỏi gói kích thích có thể bao gồm yếu tố bất ngờ.
Vì vậy, mặc dù thông điệp bề ngoài từ BOJ là tiếp tục là sự kiên nhẫn, được xác nhận bởi dữ liệu cho thấy áp lực lạm phát đang suy yếu, nhưng các bình luận từ ngân hàng này trước cuộc họp ngày 23 tháng 1 vẫn được rất thu hút sự chú ý.
Trên thực tế, trong một cuộc phỏng vấn ngày 27 tháng 12, ônh Ueda một lần nữa ám chỉ rằng kết quả của các cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân không phải là yếu tố cần thiết cho một sự thay đổi theo hướng chính sách thắt chặt, và rằng “khá nhiều thông tin” có thể được thu thập từ cuộc họp giám đốc chi nhánh khu vực của BOJ vào giữa tháng 1/2024.
Chính sách tiền tệ của BOJ.
5/ Trung Quốc cùng một mục tiêu nhưng thách thức lớn hơn
Với việc nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2023, các cố vấn chính phủ Trung Quốc cũng xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2024 sẽ tương tự mức đó.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn là tăng trưởng của năm 2023 so sánh với năm 2022 (khi kinh tế nước này có những đợt suy giảm mạnh do phong tỏa chống dịch Covid-19), nhưng năm 2024 sẽ so sánh với năm 2023 – năm kinh tế bắt đầu hồi phục.
Điều đó có nghĩa là mục tiêu của năm 2024 khó khăn hơn so với năm 2023, nhất là khi cuộc khủng hoảng nhà đất của nước này chưa lắng dịu, và khi Bắc Kinh đang nỗ lực chuyển từ phát triển dựa vào xây dựng sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng.
Các nhà đầu tư, mong đợi nhiều biện pháp kích thích hơn nữa, sẽ theo dõi chặt chẽ các tin tức về Trung Quốc trong vài ngày tới, khi nhu cầu trong nước vẫn yếu và thị trường bất động sản, nơi chứa 70% tài sản của hộ gia đình, vẫn đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Các mục tiêu tăng trưởng chính thức sẽ không được công bố cho đến tháng 3, nhưng những biện pháp nào được đưa ra trước đó sẽ nói lên nhiều điều về chiến lược của Trung Quốc.
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 tương tự năm 2023.
Tham khảo: Reuters