Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã ACV) cho thấy, tại ngày 30/9/2022, ACV đã cho các hãng hàng không và các bên liên quan nợ gần 9.250 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Phần lớn các khoản nợ này nằm ở các công ty hàng không nội địa. Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nợ 1.838 tỷ đồng, Công ty CP Hàng không VietJet (VietJet Air) nợ 3.442 tỷ đồng, Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) nợ 2.008 tỷ, Công ty CP Hàng không Pacific Airlines nợ 835 tỷ.
Đến cuối quý III/2023, tổng giá trị các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi (nợ xấu) của ACV tại các hãng hàng không và các bên liên quan là gần 6.500 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với đầu năm và tăng gần 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nợ xấu tại VietJet là 2.585 tỷ đồng, tại Bamboo Airways là 1.803 tỷ đồng, tại Vietnam Airlines là 1.094 tỷ đồng, tại Pacific Airlines là 760 tỷ đồng, tại Vietravel Airlines là 218 tỷ đồng và tại Air Mekong (hãng bay đã dừng bay 10 năm) là gần 26 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mặc dù Pacific Airlines chỉ xếp thứ tư về giá trị (760 tỷ đồng) nhưng là hãng bay có tỷ trọng nợ xấu/nợ phải thu lớn nhất, lên đến gần 91%. ACV đang phải dự phòng 553 tỷ đồng cho khoản nợ xấu của Pacific Airlines.
Tương tự, Bamboo Airways xếp thứ hai về giá trị nợ xấu tại ACV (1.803 tỷ đồng) nhưng có tỷ trọng nợ xấu/nợ phải thu là gần 90%. ACV cũng đang phải dự phòng 1.027 tỷ đồng cho khoản nợ xấu của Bamboo Airways, chiếm tới hơn 40% trong tổng số 2.565 tỷ đồng trích lập dự phòng của ACV tính đến cuối quý III.
Riêng trong quý III, ACV phải trích lập thêm 680 tỷ đồng dự phòng nợ xấu, gấp 10 lần con số cùng kỳ và chiếm hơn một nửa chi phí dự phòng nợ xấu tăng thêm trong 9 tháng đầu năm (1.320 tỷ đồng).
Trích lập dự phòng lớn khiến lợi nhuận hao hụt
Việc phải trích lập dự phòng gấp đôi đầu năm cho các khoản nợ quá hạn, gần như không có khả năng thu hồi này đã khiến gánh nặng chi phí của ACV tăng lên đáng kể. Theo đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của ACV tăng gấp 3,4 lần cùng kỳ, lên 929 tỷ đồng. Đây là yếu tố chính khiến lợi nhuận quý III của ACV giảm tốc, chỉ tăng 15% so với cùng kỳ, đạt mức 2.764 tỷ đồng dù doanh thu lập đỉnh.
Cụ thể, doanh thu của quý III của ACV đạt 5.328 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ và là mức doanh thu cao nhất theo quý mà ACV đạt được kể từ khi niêm yết.
Theo giải trình của ACV, doanh thu quý III tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do thị trường hàng không quốc tế phục hồi.
Tốc độ tăng doanh thu tăng nhanh hơn tốc độ tăng giá vốn đã khiến lợi nhuận gộp của ACV tăng gần 40% so với cùng kỳ, kéo biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 57% của quý III/2022 lên 63% trong quý III năm nay.
Lũy kế 9 tháng, ACV đạt doanh thu 14.985 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 20%, đạt 7.007 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu 9 tháng của ACV, doanh thu phục vụ hành khách chiếm tới gần một nửa, đạt 7.225 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 68 % so với cùng kỳ 2022. Đây là khoản thu được cộng trực tiếp vào giá vé các hãng bay, được các hãng bay thu hộ cho ACV.
Kế đến là doanh thu dịch vụ hạ cất cánh, đạt 1.932 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý 1.088 tỷ đồng; doanh thu phục vụ mặt đất 401 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ khách 1.738 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động cung cấp dịch vụ phi hàng không (cho thuê mặt bằng, cho thuê quảng cáo, dịch vụ hạ tầng nội cảng,…) cũng mang về 1.180 tỷ đồng cho ACV trong 9 tháng đầu năm, trong khi doanh thu bán hàng cũng đóng góp hơn 445 tỷ đồng vào tổng doanh thu.
Triển vọng "cất cánh" khi lượng hành khách quốc tế bình thường hóa vào năm 2024
Thực tế, doanh thu và lợi nhuận của ACV đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại từ quý I/2022 khi thị trường hàng không quốc tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Sang năm 2023, doanh thu và lợi nhuận của ACV tiếp tục tăng trưởng, khi lượng hành khách và hàng hóa qua các cảng hàng không tiếp tục tăng mạnh. Theo thống kê của Cục Hàng không, 9 tháng đầu năm 2023, các cảng hàng không, sân bay trên cả nước đón 89 triệu lượt khách, tăng 20% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng hành khách quốc tế tăng 266,8%, đạt 23,7 triệu khách và khách nội địa giảm 3,6%, đạt 65,2 triệu khách.
Thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không duy trì xu hướng hồi phục theo tháng khá tích cực kể từ tháng 3/2023 khi Trung Quốc cấp phép cho du lịch đoàn tới Việt Nam.
Tương tự ACV, các hãng hàng không Việt Nam cũng tăng trưởng doanh thu từ hoạt động vận tải, trong đó có vận chuyển hành khách quốc tế. Thống kê từ báo cáo tài chính của VietJet và Vietnam Airlines cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, doanh thu từ vận tải hàng không của hai hãng này đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng trưởng doanh thu của ACV trong cùng thời kỳ.
Với sự phục hồi tích cực của ngành hàng không trong 9 tháng đầu năm 2023, trong báo cáo chuyên đề về thị trường hàng không, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng thị trường khách quốc tế phục hồi về mức trước dịch vào năm 2025 và xu hướng này giúp phần lớn các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục tăng trưởng tích cực về lợi nhuận trong năm 2024.
VDSC nhận định, tốc độ tăng trưởng của lượng hành khách quốc tế sẽ bình thường hóa trong năm 2024, dự đoán lợi nhuận trước thuế và lại (EBIT) sẽ tăng 42% so với năm nay nhờ khối lượng thị trường quốc tế đóng góp cao hơn, dẫn đến giá bán trung bình của phí dịch vụ hàng không và tỷ suất lợi nhuận cao hơn.