Hôm nay (ngày 26/4), tập đoàn PAN (PAN-HOSE) tổ chức đại hội đồng cổ đông. Phát biểu khai mạc đại hội, Chủ tịch PAN - ông Nguyễn Duy Hưng nói: “Sau một năm chúng ta lại gặp lại trong đại hội cổ đông của tập đoàn PAN. Năm vừa qua là một năm vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, thời tiết khó khăn, nguyên vật liệu khó khăn nhưng tập đoàn vẫn có kế hoạch kinh doanh rất tốt".
Còn theo bà Nguyễn Thị Trà My, CEO tập đoàn PAN, sau những ngày đầu còn nhiều khó khăn, cho đến nay PAN đã có khoảng từ 15-20.000 cổ đông, từ các nhà đầu tư cho đến các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Theo bà My, nông nghiệp khẳng định vị thế quan trọng là trụ đỡ và đảm bảo an ninh lương thực tại Việt Nam. Trong năm 2023, điều hành kinh tế vĩ mô khá tốt. Bản thân PAN tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu xuất khẩu vào các thị trường các nước phát triển, nhờ vậy vẫn giữ được động lực tăng trưởng quan trọng.
Cũng theo CEO của PAN, 1.000 tỷ trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 đã được thanh toán đúng hạn mà không cần phải dùng đến nguồn tiền từ bên ngoài.
CEO PAN cho biết năm 2024, tập đoàn sẽ trả cổ tức 5% bằng tiền mặt còn từ năm 2024, tối thiểu 5% tiền mặt, tăng dần tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt qua từng năm.
Trước câu hỏi của cổ đông về kế hoạch ứng phó của PAN khi mà chi phí tín dụng thời gian tới nhiều khả năng sẽ tăng trong bối cảnh lãi suất huy động dần tăng, chủ tịch PAN, ông Nguyễn Duy Hưng nói: “Tập đoàn nhận được định mức đánh giá của các tổ chức tài chính, kết quả kinh doanh vẫn tốt thì đó mới là điều đáng chú ý. Suy cho cùng, doanh nghiệp này không sống được, không vay được thì ai vay được. Nhìn vào khoản vay thì phải nhìn vào đầu ra của khoản vay, với hệ thống phát triển và kiểm soát rủi ro tốt, tình hình tài chính và tín dụng của PAN rất lành mạnh. Bản thân PAN cũng đang có các kênh tín dụng khác nhờ vào thành quả của tăng trưởng xanh, bền vững được thừa nhận bởi các định chế tài chính lớn”.
Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến những yếu tố bất thường của thời tiết hoặc diễn biến bên ngoài Việt Nam ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và PAN nói riêng, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Vinaseed chia sẻ: “Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ biến đổi khí hậu, đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu là việc không thể chống lại được, các doanh nghiệp buộc phải có giải pháp xa hơn để sống thuận thiên. Campuchia có đào kênh đào dẫn đến thiếu nước thì cũng là không thể tránh khỏi. Doanh nghiệp đã có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và thuận thiên”.
Liên quan đến việc kinh doanh của PAN ảnh hưởng ra sao trong bối cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu được dự báo chững lại trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Bibica, ông Trương Phú Chiến khẳng định quan điểm tự tin: “Dù cả thế giới có khó khăn, người ta sẽ vẫn ăn bánh kẹo”.
“Cả thế giới vẫn ăn bánh kẹo, các doanh nghiệp về thực phẩm đóng gói nói chung và bánh kẹo nói riêng, dư địa xuất khẩu trong tương lai, bất kể các biến động vẫn còn dư địa để tăng trưởng”, ông Phú Chiến chia sẻ quan điểm.
Ông Chiến cũng cho biết thêm các cuộc đối thoại đã kết thúc và bánh kẹo Bibica trong thời gian tới sẽ được bán sang thị trường Trung Quốc vốn được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng rất tốt.