So găng các “ông lớn” xây dựng: Hòa Bình tiếp tục thua lỗ, Coteccons bất ngờ báo lãi cao nhất 11 quý

Quý III/2023, Xây dựng Hòa Bình tiếp tục lỗ sau thuế hơn 170 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên gần 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, sau khi thay đổi niên độ tài chính, Coteccons chứng kiến lợi nhuận quý đầu tiên của năm tài chính mới tăng gấp đôi so với quý

Xây dựng Hòa Bình tiếp tục lỗ sau thuế hơn 170 tỷ đồng trong quý III/2023.
Xây dựng Hòa Bình tiếp tục lỗ sau thuế hơn 170 tỷ đồng trong quý III/2023.

Quý vừa qua, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh thị trường bất động sản dù đã có một số chuyển biến song chưa thoát khỏi tình trạng trầm lắng. Bên cạnh đó, tác động của việc giải ngân đầu tư công đến các doanh nghiệp xây dựng cũng chưa được như kỳ vọng.

Theo đó, kết quả kinh doanh của các “ông lớn” trong ngành có sự phân hóa song nhìn chung vẫn chưa có nhiều khởi sắc, một số doanh nghiệp có lãi nhưng mức lợi nhuận không cao, trong khi một số vẫn thua lỗ. Điểm sáng lớn nhất là nợ phải trả của hầu hết các doanh nghiệp đã giảm bớt so với đầu năm và dòng tiền đã chuyển dương so với mức âm nặng của cùng kỳ.

Lợi nhuận trái chiều

Theo báo cáo tài chính quý III/2023 vừa công bố, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.893 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lãi gộp của công ty đạt vỏn vẹn gần 40 tỷ đồng, giảm tới 85,9% so với mức lãi gộp 283 tỷ đồng của cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp cũng vì thế giảm từ mức 7,5 về còn 2,1%.

Doanh thu tài chính trong kỳ giảm 8,8% so với cùng kỳ, xuống 30,8 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 17,9% lên 145 tỷ đồng, trong khi, chi phí bán hàng giảm 19,4% xuống 7,9 tỷ đồng và chi phí quản lý giảm một nửa, còn 78,5 tỷ đồng.

Kết quả, công ty báo lỗ sau thuế hơn 170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 5,5 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ tư liên tiếp của Xây dựng Hòa Bình.

image-cuocsongkinhdoanh-vn-hbc-5889-3735.png

Lũy kế 9 tháng năm 2023, xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.356 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 884 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 62 tỷ đồng. Năm 2023, Hòa Bình đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng công ty đã thực hiện được 42,8% kế hoạch doanh thu và ngày càng cách xa mục tiêu lợi nhuận.

Với việc lỗ thêm 884 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2023, tổng số lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình tại ngày 30/9/2023 lên tới 2.980 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tăng cũng khiến cho vốn chủ sở hữu của Hòa Bình giảm 71% so với đầu năm còn 352,3 tỷ đồng. Đồng thời, lỗ lũy kế của công ty đã vượt mức vốn điều lệ (2.741 tỷ đồng).

Trước đó, tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, Xây dựng Hòa Bình đã bất ngờ chuyển từ lãi bán niên hơn trăm tỷ sang lỗ sau thuế 711,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Ngược lại với bức tranh kinh doanh tối màu tại Xây dựng Hòa Bình, doanh thu và lợi nhuận của Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) trong quý đầu tiên của năm tài chính 2024 (1/7/2023 đến 30/6/2024) lại tiếp tục có những khởi sắc hơn so với quý liền trước và cùng kỳ năm 2022.

Quý vừa qua, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.124 tỷ đồng, tăng 1.010 tỷ đồng, tương đương tăng 32,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 66,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ sau thuế 3,5 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này cũng gấp hơn hai lần lợi nhuận quý liền trước của Coteccons.

Theo lý giải của doanh nghiệp, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế quý I/2024 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ chủ yếu là do doanh thu và lợi nhuận gộp tăng. Trong kỳ, giá vốn tăng chậm hơn mức tăng của doanh thu khiến lợi nhuận gộp của công ty tăng 67 tỷ đồng, tương đương tăng 205% so với cùng kỳ, kéo biên lợi nhuận gộp tăng từ 1,06% của cùng kỳ lên 2,43% trong kỳ này.

Bên cạnh đó, chính sách trích lập dự phòng đối với các dự án rủi ro mà ban lãnh đạo công ty đã chủ động thực hiện từ năm trước đã làm giảm nhẹ được tác động của các biến động về chi phí nhân công, nguyên vật liệu xây dựng và các yếu tố vĩ mô lên chi phí giá vốn trong kỳ.

Ngoài ra, trong kỳ, doanh thu tài chính của công ty cũng tăng 22% lên 101 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm 26% xuống 32,5 tỷ đồng, đồng thời chi phí quản lý giảm 19,4% về 83 tỷ đồng, giúp tăng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty (đạt hơn 86 tỷ đồng).

Trong năm tài chính 2024, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.793 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 274 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, công ty đã thực hiện được 23,2% kế hoạch doanh thu và 24,3% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

image-cuocsongkinhdoanh-vn-xay-dung-6145-7945.png

Không còn duy trì được mức lợi nhuận hai chữ số như quý II/2023, Công ty CP Hưng Thịnh Incons (HTN) báo lợi nhuận quý III/2023 còn vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng, giảm 64,7% so với cùng kỳ và giảm tới 97,5% so với quý trước đó.

Trong kỳ, doanh thu thuần của công ty ghi nhận đạt 447 tỷ đồng, giảm 55,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ mức 8,5% của cùng kỳ xuống 8%, tương ứng lợi nhuận gộp còn 36 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng giảm 6,3% so với cùng kỳ, xuống 16,4 tỷ đồng.

Quảng cáo

Quý III/2023 nhờ tiết giảm mạnh chi phí tài chính và chi phí quản lý xuống lần lượt là 37,5 tỷ đồng (giảm 40%) và 12,4 tỷ đồng (giảm 62,4%) nên công ty vẫn có lãi thuần từ hoạt động kinh doanh.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 42,4% so với cùng kỳ, lãi sau thuế gần 27 tỷ đồng, giảm 79,7%. Năm 2023, Hưng Thịnh Incons đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 4.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 50 tỷ đồng. Sau 9 tháng, công ty mới hoàn thành lần lượt 58,2% và 54% kế hoạch năm.

Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) cũng không còn giữ được mức lợi nhuận 3 chữ số. Quý III/2023, lãi sau thuế của công ty đạt 27,5 tỷ đồng, giảm hơn 89% so với cùng kỳ và giảm gần 79% so với quý II.

Lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu thuần 8.915 tỷ đồng, tăng 33% so với 9 tháng năm 2022 nhưng lãi sau thuế lại giảm 79%, xuống 205 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty mới thực hiện được 54,6% kế hoạch doanh thu và 23,8% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Nợ phải trả giảm, dòng tiền kinh doanh đều chuyển dương

Nếu như bức tranh lợi nhuận của các “ông lớn” xây dựng có sự phân hóa, thì bức tranh tài chính lại có sự đồng nhất hơn khi các khoản nợ tại các doanh nghiệp đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm và dòng tiền đều đã chuyển dương trong quý này.

Theo đó, tổng nợ của Hòa Bình tại thời điểm ngày 30/9/2023 đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, còn 13.344 tỷ đồng. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn giảm 500 tỷ đồng (còn 4.238 tỷ đồng), vay nợ ngắn hạn giảm 704 tỷ đồng (xuống 4.400 tỷ đồng) và vay nợ dài hạn giảm 277 tỷ đồng (xuống 750 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, dòng tiền kinh doanh của công ty tiếp tục duy trì mức dương 1.125 tỷ đồng (cùng kỳ âm hơn 1.331 tỷ đồng).

Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu giảm đã khiến tổng nguồn vốn đến cuối quý III/2023 của Xây dựng Hòa Bình giảm tương ứng gần 1.900 tỷ đồng so với đầu năm, xuống 13.697 tỷ đồng.

Tương tự, tổng nợ của Hưng Thịnh Incons cũng giảm mạnh hơn 1.600 tỷ đồng, tương đương gần 21% so với đầu năm, còn 6.100 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn giảm tới 1.453 tỷ đồng, chủ yếu do giảm nợ vay tại các ngân hàng và giảm hơn 120 tỷ đồng dư nợ trái phiếu.

Ngược lại, công ty lại tăng mạnh vay nợ dài hạn lên gần 644 tỷ đồng, trong khi đầu năm vắng bóng nợ vay dài hạn.

Dòng tiền kinh doanh của Hưng Thịnh Incons đến cuối quý II/2023 đang dương 617 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 955 tỷ đồng.

Với Coteccons, tổng nợ phải trả đến ngày 30/9/2023 cũng giảm hơn 890 tỷ đồng, tương đương 6,8% so với cuối tháng 6/2023. Trong đó, phần giảm nhiều nhất là khoản phải trả người bán ngắn hạn, giảm 815 tỷ đồng, xuống 4.381 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm nhẹ 61 tỷ đồng xuống 636 tỷ đồng; vay nợ dài hạn giữ nguyên ở mức gần 498 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh của công ty sau khi dương trở lại trong năm tài chính 2023, đã tiếp tục duy trì mức dương trong quý I/2024, đang ở mức 218 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 689 tỷ đồng.

Đến cuối quý III/2023, Vinaconex cũng hạ bớt hơn 2.000 tỷ đồng nợ vay, còn hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ dài hạn giảm 2.747 tỷ đồng, còn 5.421 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn tăng 858 tỷ đồng lên hơn 6.200 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh của công ty đến cuối quý II/2023 đang dương 2.192 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 1.791 tỷ đồng.

image-cuocsongkinhdoanh-vn-no-7377-3432.png

Có thể thấy, giữa bối cảnh chung của ngành xây dựng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp xây dựng đã xoay xở nhiều cách để duy trì hoạt động, bao gồm cả tiết giảm các chi phí, tái cơ cấu nợ, giảm nợ vay để bớt áp lực trả lãi hay đàm phán với các đối tác để cấn trừ nợ,…

Điển hình như Xây dựng Hòa Bình, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 gần đây, cổ đông công ty đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ và hoán đổi nợ. Trong đó, công ty dự kiến phát hành 220 triệu cổ phiếu nhằm tăng nguồn vốn và 54 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ đối với các đơn vị là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất. Thời gian thực hiện dự kiến phát hành trong năm 2023 – 2024.

Lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình cũng cho biết tính đến ngày 16/10/2023, đã có gần 100 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu đạt giá trị tương đương 400 tỷ đồng.

Cũng đến giữa tháng 10, công ty đã tất toán nợ với 7 ngân hàng tổng số tiền hơn 1.300 tỷ đồng.

Còn tại Hưng Thịnh Incons, quý III vừa qua nhờ giảm mạnh các khoản vay ngắn hạn nên chi phí lãi vay của công ty đã giảm mạnh 58,31% so với quý liền trước. Ngoài ra, trong quý vừa qua, Hưng Thịnh Incons đã gia hạn thành công lô trái phiếu do công ty phát hành, qua đó giảm áp lực tài chính hiện thời.

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ Copy

Cùng chuyên mục Doanh nghiệp

Bắc có Winmart, Nam có Bách Hoá Xanh, cuộc đấu ngành bán lẻ ngày càng gay cấn

Để khái quát cuộc cạnh tranh giữa WinCommerce và Bách Hóa Xanh, lãnh đạo Masan từng cho rằng trong mọi thị trường thương mại hiện đại, thường có hai người dẫn đầu cùng tham gia.

Cổ phiếu Thế giới Di động (MWG) sẽ quay lại rổ "kim cương" ngay trong tháng 10? Khối ngoại “xả” gần 500 tỷ đồng cổ phiếu VPB và MWG trong ngày VN-Index tăng gần 10 điểm

Hai “gà đẻ trứng vàng” của Masan

Mảng hàng tiêu dùng (Masan Consumer) và bán lẻ (WinCommerce) hiện là hai lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, chiếm gần 80% doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Masan. Đây cũng là hai động lực tăng trưởng lớn nhất của Masan trong giai đoạn sắp tới.

Đạt doanh thu hơn 78.000 tỷ đồng năm 2023, Masan đặt mục tiêu lãi gấp đôi trong năm 2024 Vét hết 19.000 tỷ ra chia: Masan Consumer muốn trả thêm cổ tức bằng tiền tỷ lệ 168% sau khi đã chia cổ tức tỷ lệ 100%

Viconship trở thành cổ đông lớn của Vinaship, TTC Agris muốn mua 40% vốn Betrimex

Viconship vừa trở thành cổ đông lớn thứ hai của Vinaship sau khi nhận chuyển nhượng hơn 12,76 triệu cổ phiếu VNA, nâng sở hữu lên hơn 13,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 40,01% vốn tại Vinaship.

Viconship sắp nâng vốn lên gần 2.900 tỷ đồng, tăng vay nợ để thực hiện M&A Xử phạt 1,2 tỷ đồng với CTCP Đầu tư Mavico - cổ đông của Kosy vì giao dịch cổ phiếu không báo cáo

Điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103 đồng/kWh từ ngày 11/10/2024

Từ ngày 11/10/2024, giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Điểm danh dự án điện tái tạo Bộ Công an vừa yêu cầu EVN cung cấp hồ sơ EVN có lãi gộp hơn 8.500 tỷ trong quý 2/2024, lỗ lũy kế đã vượt 52.000 tỷ đồng