Tiêu dùng người dân Mỹ tăng trưởng mạnh đã giúp kinh tế Mỹ ghi nhận tăng trưởng cao hơn phần lớn các nền kinh tế phát triển khác của thế giới.
Mỹ đã vượt xã Trung Quốc trong cuộc chạy đua vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhờ vào người tiêu dùng Mỹ mạnh tay chi tiêu.
Theo công bố mới nhất, trong quý IV/2023, GDP của Mỹ tăng 6,3% sau khi điều chỉnh với lạm phát, tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với mức tăng trưởng 4,6% của Trung Quốc.
Bloomberg đánh giá, dù cần xét đến một số yếu tố khác như lạm phát của Mỹ năm 2023 tăng cao hơn, nhưng có thể thấy kinh tế Mỹ đã thoát ra khỏi đại dịch COVID-19 tốt hơn so với Trung Quốc.
Tính chung cả năm 2023, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,5%. Tốc độ này cao hơn năm 2022 với mức tăng trưởng GDP đạt 1,9%.
Động lực tăng trưởng chính của Mỹ là tiêu dùng cá nhân tăng 2,8% trong quý IV/2023. Đầu tư của doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản cũng góp phần giúp kinh tế tăng trưởng vượt dự báo. Lạm phát lõi cũng tăng ở mức 2% quý thứ hai liên tiếp, khớp với mục tiêu của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Cựu giám đốc bộ phận nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hiện đang là giáo sư tại đại học Cornell, ông Eswar Prasad, phân tích, rõ ràng đã có nhiều yếu tố tác động. Diễn biến ổn định của kinh tế Mỹ xảy ra cùng lúc với việc kinh tế Trung Quốc đương đầu với quá nhiều thách thức ngắn và dài hạn đã khiến cho dự đoán về khả năng GDP Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ không còn nhiều giá trị.
Diễn biến kinh tế của Mỹ và Trung Quốc được phản ánh trực tiếp vào thị trường chứng khoán. Trong tuần này, thị trường chứng khoán Mỹ lập mức cao nhất mọi thời đại còn thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trong quá trình suy giảm.
Ở thời điểm cách đây một năm, kỳ vọng của thế giới vào hai nền kinh tế này hoàn toàn khác. Đầu năm 2023, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ rơi vào suy thoái khi mà FED liên tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát ở ngưỡng cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Cùng thời điểm đó, kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ hồi phục mạnh sau khi giới chức mở cửa nền kinh tế sau khoảng thời gian phong tỏa kéo dài nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, cuối cùng mọi chuyện lại diễn ra ngược lại. Theo số liệu GDP công bố vào tuần này, GDP Mỹ tăng trưởng mạnh 6,3% trong quý IV/2023, sau khi tăng trưởng được 4,9% trong quý III/2023. Lạm phát nhiều khả năng sẽ sớm trở lại ngưỡng mục tiêu 2% của FED và nỗi sợ suy thoái kinh tế đang giảm đi.
Trong cùng khoảng thời gian trên, nền kinh tế Trung Quốc lại chật vật dưới tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và thời kỳ giảm phát tệ hại nhất trong 25 năm. Xuất khẩu, một thời là trụ cột tăng trưởng kinh tế quan trọng của Trung Quốc đã suy giảm trong năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp trong những người trẻ tuổi tăng lên, chính quyền nhiều địa phương gặp khó với vấn đề nợ nần.
Số liệu từ chính phủ Trung Quốc cho thấy, kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 đã đạt mục tiêu tăng trưởng 5,2% của chính phủ. Tuy nhiên, sức mua hàng hóa nội tại nền kinh tế không cao. Theo phân tích của Bloomberg Economics về CPI Trung Quốc, sự sụt giảm của giá lương thực là nhân tố đóng góp lớn nhất.
Chỉ số CPI trong tháng 12/2023 ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp bị thu hẹp, nhưng giá thực phẩm đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp. Trong rổ thực phẩm, sự sụt giảm của giá thịt lợn đặc biệt rõ ràng, tháng 12/2023 giảm đến 26%.