Khởi nguồn từ những năm 1980, trà sữa ban đầu chỉ là một loại nước giải khát, nhưng đã dần lan rộng ra toàn cầu và trở nên phổ biến ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Trà sữa có nguồn gốc từ Đài Loan và bắt đầu du nhập vào Việt Nam khoảng đầu những năm 2000, nhanh chóng được giới trẻ yêu thích. Không chỉ ở Việt Nam, trà sữa đã trở nên nổi tiếng ở nhiều nơi trên thế giới.
Năm 2013, trà sữa đã đánh dấu một cột mốc quan trọng với sự phát triển mạnh mẽ thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu từ Hồng Kông và Đài Loan, đi kèm với thiết kế bao bì bắt mắt và sự đa dạng trong sản phẩm.
Theo Vietdata, đến năm 2023, theo Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam của iPOS.vn, thực hiện qua nghiên cứu sơ cấp trên 63 tỉnh thành, phỏng vấn chuyên gia và các nguồn tin trong ngành, tần suất người Việt đi cà phê hoặc uống trà sữa đã tăng nhẹ so với năm 2022.
Cụ thể, 42,6% đáp viên cho biết họ đi cafe/trà sữa khoảng 1-2 lần mỗi tháng. Số lượng thực khách đi cafe/trà sữa với tần suất 1-2 lần mỗi tuần tăng cao hơn so với năm 2022, với 30,4% đáp viên lựa chọn (so với 22,6% năm 2022).
Báo cáo thị trường chuỗi trà sữa 2023 của Vietdata công bố mới đây cho thấy thị trường trà sữa Việt Nam đang chứng kiến bức tranh đối lập của 2 doanh nghiệp dẫn đầu khi Mixue tăng trưởng thần tốc cả doanh thu lợi nhuận thì TocoToco lỗ ròng ngày càng sâu trong 3 năm liên tiếp.
MIXUE tăng trưởng thần tốc
Mixue là chuỗi cửa hàng nổi tiếng từ Trung Quốc, được thành lập vào năm 1997 bởi Zhang Hongchao. Mixue chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2008 dưới tên gọi Công ty TNHH Snow King Global, với trụ sở chính tại Thanh Xuân, Hà Nội. Đến tháng 04/2023, Mixue đã đạt mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam trong chưa đầy 5 năm.
Sản phẩm chủ lực của Mixue là trà sữa và kem, nổi bật với lợi thế cạnh tranh về giá cả phải chăng, trung bình rơi vào khoảng từ 25.000 - 35.000 đồng. Đây là mức giá được đánh giá là khá rẻ so với sản phẩm tương đương trên thị trường.
Mixue có sự thay đổi vô cùng linh hoạt tại thị trường Việt Nam, khi thị trường trà sữa đạt đến ngưỡng bão hòa thì Mixue liền chuyển sang kem tươi thành sản phẩm chủ đạo, tinh gọn menu trà sữa, lấy yếu tố giá cạnh tranh đánh vào tệp khách hàng học sinh, sinh viên.
Về kết quả kinh doanh, theo Vietdata, Mixue đã đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong năm 2023 với doanh thu gần 1.260 tỷ đồng, tăng hơn 160% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tăng mạnh, tăng hơn 200% so với năm trước.
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần, cho thấy rằng doanh thu từ nhượng quyền thương hiệu đang đóng góp rất lớn vào hiệu quả tài chính của công ty.
Toco Toco lỗ ròng ngày càng sâu trong 3 năm liên tiếp
Tocotoco, ra mắt cửa hàng đầu tiên vào năm 2013 với hướng đi khác biệt, không sính ngoại với chủ trương ngay từ đầu là sử dụng nông sản Việt để làm đồ uống. Định vị thương hiệu là “trà sữa made in Việt Nam”. TocoToco nhanh chóng phủ rộng điểm bán với hơn 700 cửa hàng trải dài từ Nam ra Bắc và sự hiện diện tại nhiều thị trường quốc tế như Mỹ, Úc, và Nhật Bản.
Các chương trình khuyến mãi của TocoToco thường rất đa dạng mang lại cho khách hàng nhiều cơ hội trải nghiệm đồ uống ngon với mức giá ưu đãi. Các hình thức giảm giá thường xuyên như mua 1 tặng 1, free trân châu, giảm giá trên tổng hóa và các voucher giảm giá.
Ngoài chiến lược về giá, TocoToco luôn làm mới mình bằng những thiết kế rất bắt mắt, họa tiết đậm chất mùa lễ hội làm cho các tín đồ trà sữa cảm thấy hào hứng hơn khi thưởng thức các sản phẩm tại cửa hàng.
Về kết quả kinh doanh, theo Vietdata, mặc dù TocoToco đã có sự tăng trưởng ấn tượng từ năm 2021 đến 2022 (tăng gần 50%), sự sụt giảm doanh thu trong năm 2023 là một dấu hiệu cảnh báo cần được xem xét kỹ lưỡng.
Doanh thu thuần năm 2023 đạt gần 380 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế lỗ cả năm 3 gần đây, đỉnh điểm là năm 2023.
Trước thực trạng kinh doanh khá bết bát trên, Toco Toco hiện đang đặt mục tiêu đạt 1.500 cửa hàng vào năm 2024, phủ kín mạng lưới toàn quốc và phát triển sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada,...