Trung Quốc hạ mạnh lãi suất cho vay thế chấp kỳ hạn 5 năm nhằm hỗ trợ ngành bất động sản

Theo quan điểm của các thành viên thị trường, việc cắt giảm lãi suất là hoàn toàn cần thiết để giúp xây dựng động lực cho nền kinh tế sau khi tăng trưởng chật vật trong năm 2023.

Trung Quốc hạ mạnh lãi suất cho vay thế chấp kỳ hạn 5 năm nhằm hỗ trợ ngành bất động sản

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa hạ lãi suất cho vay thế chấp kỳ hạn 5 năm trong nỗ lực hỗ trợ cho nền kinh tế đã phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự suy giảm trên thị trường bất động sản và niềm tin doanh nghiệp suy yếu.

Theo đó, PBOC hạ lãi suất cơ bản cho vay chuẩn được dùng để định giá các khoản vay thế chấp kỳ hạn 5 năm từ mức 4,2% xuống 3,95%. Đây là lần đầu tiên từ tháng 6/2023 loại lãi suất này được điều chỉnh giảm.

Trước đó, nhiều thành viên thị trường tài chính đã kỳ vọng PBOC sẽ hạ lãi suất cho vay thế chấp thời hạn 1 năm nhằm hạ nhiệt áp lực tài chính với người mua nhà, tuy nhiên loại lãi suất này đã không được điều chỉnh trong quyết định chính sách lần này.

Theo quan điểm của các thành viên thị trường, việc cắt giảm lãi suất là hoàn toàn cần thiết để giúp xây dựng động lực cho nền kinh tế sau khi tăng trưởng chật vật trong năm 2023. Trong năm ngoái, Bắc Kinh công bố kinh tế tăng trưởng 5,2%, tuy nhiên gần đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 sẽ chững lại còn 4,6%.

Vào đầu tháng này, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng được điều chỉnh giảm nửa điểm phần trăm, như vậy thêm khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 140 tỷ USD được bơm vào hệ thống nhằm gia tăng thanh khoản.

Người tiêu dùng Trung Quốc dường như cũng đang quan tâm đến việc tiêu dùng nhiều hơn. Số liệu công bố cho thấy trong dịp Tết Nguyên đán, chi tiêu cho việc đi lại của người dân đã vượt thời điểm trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc tiêu dùng mạnh tay có duy trì được hay không hiện vẫn chưa thể chắc chắn được, theo chuyên gia kinh tế tại tổ chức Oxford Economics – ông Louise Loo phân tích.

Quảng cáo

Trong tháng trước, hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc chững lại. Chỉ số các đơn hàng mới chỉ cải thiện nhẹ. Chỉ số giá tiêu dùng giảm sâu nhất trong 14 năm tạo ra nhiều rủi ro về giảm phát.

Doanh số bán bất động sản tại Trung Quốc năm 2023 giảm 6,5%, như vậy thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục quá trình suy giảm bắt đầu từ hai năm trước. Chính phủ Trung Quốc siết chặt việc giám sát các doanh nghiệp bất động sản để ngăn hành vi vay nợ quá mức.

Cơ quan Thống kê Trung Quốc trong tuần này công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 giảm sâu hơn so với kỳ vọng, đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số CPI đi ngang hoặc giảm, thực tế này khiến nhiều người lo lắng về khả năng chu kỳ giảm phát đang ngày một căng thẳng hơn.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại tổ chức Natixis, bà Alicia García-Herrero, có cái nhìn thận trọng hơn. Bà cho rằng, dù người dân đi lại nhiều nhưng họ sẽ không có xu thế chi tiêu nhiều như những năm trước bởi xét đến bối cảnh kinh tế khó khăn, sự chững lại trong lĩnh vực bất động sản và niềm tin người tiêu dùng thấp.

“Nhu cầu đi lại bị dồn nén từ khoảng thời gian trước, vì vậy hoạt động đi lại có thể sôi động nhưng tôi không tin mức chi tiêu sẽ tốt”, bà García-Herrero nhấn mạnh.

Trong tháng 3/2024, Quốc hội Trung Quốc dự kiến sẽ có cuộc họp để bàn về mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024. Phần lớn các chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng trưởng của năm 2024 sẽ gần tương đương với mức 5% của năm ngoái, thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ngay cả mục tiêu đó cũng khó thành hiện thực trừ khi thị trường bất động sản bình ổn.

Dù vậy, các chuyên gia kinh tế tin rằng tiêu dùng tháng 2/2024 tăng bởi yếu tố Tết Nguyên đán, ngoài ra kết hợp với yếu tố hiệu ứng nền của năm 2023, chỉ số CPI Trung Quốc có thể tăng trưởng trở lại từ tháng này.

Trong báo cáo nghiên cứu gần đây, ngân hàng HSBC khẳng định: “Những số liệu ban đầu về hoạt động kinh tế cho thấy tình hình khá sôi động. Chỉ xét riêng trong mảng nhu cầu đi lại nội địa, nhu cầu đi lại bằng tàu tăng 22%, nhu cầu đi lại đường hàng không tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019”.

Theo Nikkei, Financial Times

Theo Theo tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ Copy

Cùng chuyên mục Thế giới

Cước vận tải đường không từ Bangladesh tăng mạnh nhất thế giới

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Bangladesh dẫn tới tình trạng gián đoạn hoạt động tại nhà máy trong những tuần gần đây cũng như sự thay đổi quyền lực của Chính phủ nước này không phải là mối quan tâm lớn duy nhất đối với các công ty may mặc ở nước ngoài

Cước vận tải đi Mỹ, EU tăng mạnh, thách thức mới cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản "Ác mộng" đại dịch trở lại: Mùa cao điểm chưa tới, giá cước vận tải biển đã "nhảy múa"

Tham vọng soán ngôi thống trị của đồng USD, BRICS và xu hướng phi đô la hoá có thể đi xa đến đâu?

Nhiều chuyên gia và nhà phân tích cho rằng vị thế của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu vẫn vững như bàn thạch. Nhưng nhiều quốc gia bao gồm khối BRICS đang không ngừng tìm kiếm lựa chọn thay thế để thoát khỏi sự phụ thuộc này.

Đồng USD sẽ là “người chiến thắng” duy nhất trong cuộc chiến thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc Đồng USD suy yếu kéo dòng tiền đầu tư chảy mạnh vào kim loại quý