
Viconship trở thành cổ đông lớn tại Xếp dỡ Hải An
Công ty CP Container Việt Nam (Viconship, mã VSC) báo cáo đã mua vào gần 1,78 triệu cổ phiếu HAH của Coong ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An trong 2 phiên giao dịch ngày 18/4 và 22/4. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của công ty tại HAH tăng từ 4,032% lên gần 5,4%, tương đương hơn 7 triệu cổ phiếu, chính thức trở thành cổ đông lớn.
Đồng thời, công ty con là Công ty TNHH MTV Cảng Xanh cũng mua thêm hơn 184.200 cổ phiếu HAH trong ngày 18/4, nâng sở hữu lên 602300 cổ phiếu (tỷ lệ 0,464%). Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Trung tâm Logistics Xanh - một công ty con khác của Viconship - hiện nắm giữ 804.300 ccổ phiếu HAH, tương ứng 0,619% vốn.
Tính chung, cả nhóm Viconship đã nâng tổng lượng cổ phần nắm giữ tại HAH lên hơn 8,4 triệu cổ phiếu, tương đương 6,482% vốn điều lệ. Trong đó, công ty mẹ Viconship sở hữu phần lớn.
Động thái gia tăng sở hữu diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HAH hồi phục mạnh, tăng hơn 33% so với vùng đáy 45.000 đồng/cổ phiếu ghi nhận vào ngày 9/4 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng từ thông tin thuế quan mới của Mỹ. Hiện cổ phiếu HAH đang giao dịch quanh vùng 60.000 đồng/cổ phiếu.
Quỹ ngoại mua 13% cổ phần Long Châu
Ngày 25/4 tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ông Hoàng Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) cho biết, Công ty CP Đầu tư FPT Long Châu (Long Châu Investment) vừa ký hợp tác với quỹ đầu tư tư nhân Creador Sdn Bhd (Creador). Theo đó, Creador sẽ đầu tư làm 2 giai đoạn trong vòng 1 năm, với mục tiêu nắm giữ 13% cổ phần FPT Long Châu, trong đó khoảng 50% đến từ công ty phát hành mới, 50% cổ đông hiện hữu.
Long Châu Investment là công ty con do FPT Retail nắm quyền kiểm soát, hoạt động chính trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm và chăm sóc sức khỏe. Sau giao dịch, FPT Retail vẫn giữ vai trò là cổ đông kiểm soát tại doanh nghiệp này.
Còn Creador là một quỹ đầu tư tư nhân thành lập năm 2011, có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia. Creador đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau như dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng lâu năm, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, dược phẩm, chăm sóc sức khoẻ, phương tiện truyền thông và dịch vụ kinh doanh. Quỹ này đã có hàng chục khoản đầu tư vào các công ty, tập đoàn lớn tập trung vào Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia, Singapore, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Tại Việt Nam, Thế Giới Di Động (MWG) là khoản đầu tư đầu tiên của Creador.
Pyn Elite Fund giảm tỷ lệ sở hữu TPBank xuống dưới 1%
Theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên được Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã TPB) cập nhật đến ngày 17/4, quỹ ngoại PYN Elite Fund (NON-UCITS) không còn là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng.
Trước đó, theo danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn tại TPBank công bố ngày 30/8/2024, PYN Elite Fund từng nắm giữ gần 79 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 3,59% vốn. Đến ngày 30/9/2024, tỷ lệ này được nâng lên 4,7%, tương ứng sở hữu hơn 104 triệu cổ phần.
Sau đó, Pyn Elite Fund bắt đầu thoái vốn, tính đến ngày 2/4/2025, TPBank cập nhật thông tin cổ đông sở hữu 1% vốn, quỹ ngoại này đã giảm sở hữu tại ngân hàng xuống còn 56,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,15% và đến gần đây đã giảm xuống dưới 1%.
Chủ tịch Hanoimilk chuyển nhượng 10 triệu cổ phiếu cho con gái
Từ ngày 24/4-23/5, bà Hà Phương Thảo sẽ nhận chuyển nhượng 10 triệu cổ phiếu HNM từ cha là ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk, mã HNM).
Hiện tại, bà Thảo không sở hữu cổ phần HNM. Dự kiến sau giao dịch, con gái Chủ tịch Hanoimilk sẽ sở hữu hơn 22,5% vốn của công ty sữa này. Trong khi đó, Chủ tịch Hà Quang Tuấn sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty từ 31,7% (14,1 triệu cổ phiếu) xuống còn 9,2% (4,1 triệu cổ phiếu) sau khi hoàn tất chuyển nhượng cổ phần cho con gái.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HNM đang được giao dịch với giá 8.800 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày 25/4). Chiếu theo mức giá này, ước tính thương vụ “sang tay” có giá trị 88 tỷ đồng.
Chủ tịch Chứng khoán Everest muốn mua 2,2 triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn
Ông Nguyễn Hải Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Everest (mã EVS) đăng ký mua vào 2,2 triệu cổ phiếu EVS từ ngày 28/4 đến 28/5.
Hiện tại, ông Châu đang nắm giữ hơn 6,5 triệu cổ phiếu EVS (tỷ lệ 3,95%). Nếu mua vào đúng kế hoạch, ông Châu sẽ nâng sở hữu lên hơn 8,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,28%) và trở thành cổ đông lớn.
Tính theo mệnh giá, ông Châu sẽ phải chi ra 22 tỷ đồng, tuy nhiên thực tế Chủ tịch EVS có thể chỉ cần chi ra hơn một nửa số tiền đó để sở hữu lượng cổ phiếu đăng ký mua, bởi thị giá EVS tính đến phiên gần nhất 25/4 đang ở mức 5.600 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường, cổ phiếu EVS đang trong giai đoạn phục hồi sau khi giảm về vùng giá 4.700 đồng/cổ phiếu trong bối cảnh giảm điểm chung của thị trường chứng khoán Việt Nam trước các tin tức về thuế quan.