Sau gần hai năm kiểm soát được dịch bệnh, ngành vận tải hàng không đã có sự phục hồi mạnh mẽ khi tổng lượng hành khách thông qua các cảng hàng không luôn duy trì được mức tăng 2 chữ số nhưng hầu hết các hãng hàng không vẫn lỗ.
Theo đó, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế hơn 1.300 tỷ đồng nửa đầu năm và cả năm 2023 có thể lỗ trước thuế 4.500 tỷ đồng. Tương tự, ban lãnh đạo Bamboo Airways, Vietravel Airlines cho biết nửa đầu năm 2023 vẫn lỗ. Duy chỉ có Vietjet Air báo lãi 135 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, song cũng giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh bức tranh kết quả kinh doanh năm 2023 dự báo vẫn kém khả quan, một số hãng hàng không gần đây đã hé lộ tiến trình tái cấu trúc toàn diện, đặc biệt trong đó có công cuộc tái cấu trúc về bộ máy quản trị - điều hành.
Cuộc “đại phẫu” bắt đầu từ thay lãnh đạo cấp cao
Câu chuyện tái cấu trúc toàn diện tại Bamboo Airways đã được nhắc đến từ năm 2022 nhưng đặc biệt nổi lên khi lộ diện nhà đầu tư mới - Ngân hàng Sacombank. Trong khi các thủ tục chuyển nhượng cổ phần sang nhóm nhà đầu tư mới đang được thực hiện, cơ cấu lãnh đạo cấp cao của Bamboo Airways cũng liên tục biến động.
Gần nhất, ngày 23/10, Bamboo Airways công bố nghị quyết bổ nhiệm ông Lương Hoài Nam, một người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không - du lịch giữ vị trí Tổng Giám đốc (CEO). Việc bổ nhiệm này là kết quả của quyết định đến từ nhà đầu tư mới của hãng bay.
Ông Lương Hoài Nam là CEO thứ tư trong năm nay của Bamboo Airways. Hồi cuối tháng 5, Bamboo Airways đã bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Hải làm CEO thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân. Tuy nhiên, chỉ gần hai tháng sau đó, ông Hải đã xin từ nhiệm và vị trí CEO được giao cho ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm.
Ngoài ra, cơ cấu HĐQT của Bamboo Airways cũng liên tục có sự thay đổi kể từ đầu năm đến nay. Gần đây nhất, tại đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ 3 năm 2023, Bamboo Airways đã thông qua miễn nhiệm tư cách Thành viên HĐQT đối với ông Hideki Oshima, ông Trần Hoà Bình và ông Doãn Hữu Đoàn kể từ ngày 15/9. Đồng thời, chỉ bầu bổ sung bà Lê Thị Trúc Quỳnh vào HĐQT.
Đáng chú ý, ông Hideki Oshima chỉ vừa mới được bầu làm Chủ tịch của Bamboo Airways vào tháng 6/2023. Tuy nhiên, đến tháng 7/2023, HĐQT Bamboo Airways đã thông qua quyết định bầu ông Lê Thái Sâm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch. Còn ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT.
Theo Bamboo Airways, việc liên tục thay đổi nhân sự cấp cao nằm trong tiến trình tái cấu trúc toàn diện đang được hãng hàng không tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt trong đó có công cuộc tái cấu trúc về bộ máy quản trị - điều hành, hướng tới ổn định hoạt động, thu hút nguồn lực đầu tư chất lượng, tạo cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ trong trung hạn.
Tân CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam khi phát biểu nhậm chức cũng cam kết góp sức tăng tốc quá trình tái cấu trúc hãng, để hãng sớm ổn định hoạt động, mở ra cơ hội phát triển. Và trước mắt là đạt được mục tiêu đưa quy mô đội tàu bay về lại 30 tàu bay, hướng tới nâng lên 50 tàu và nhiều hơn.
Tương tự Bamboo Airways, trong ngày 23/10, Vietravel Airlines cũng có những thay đổi nhân sự quan trọng sau cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 diễn ra cùng ngày. Theo đó, ông Vũ Đức Biên, Thành viên HĐQT kiêm CEO sẽ không tiếp tục tham gia HĐQT Vietravel Airlines nhiệm kỳ 2022-2027, đồng thời rời ghế CEO vì lý do cá nhân từ ngày 23/10.
Thay thế vị trí CEO của ông Biên là ông Nguyễn Minh Hải, người vừa rời ghế CEO của Bamboo Airways không lâu. Ông Hải chính thức đảm nhiệm vị trí điều hành Vietravel Airlines từ ngày 24/10.
Ngoài thay CEO, Vietravel Airlines cũng bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT mới nhiệm kỳ 2022 - 2027 là ông Philipp Rösler và ông Đoàn Hải Đăng. Trong đó, ông Philipp Rösler được biết đến là Chủ tịch Ban cố vấn Quốc tế Vinacaptal Venture, nguyên Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức.
Ông Philipp Rösler tham gia HĐQT của Vietravel Airlines với tư cách thành viên HĐQT độc lập, có vai trò cố vấn định hướng chiến lược của hãng trong việc mở rộng hợp tác quốc tế, là cầu nối giữa hãng với các nhà đầu tư tại châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.
Còn ông Đoàn Hải Đăng tham gia HĐQT Vietravel Airlines với tư cách cổ đông mới. Ông Đăng hiện là Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Vận chuyển Thế giới (World Trans).
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines kỳ vọng việc bổ nhiệm CEO mới cùng với sự thay đổi một số thành viên trong HĐQT sẽ là bước tiến đủ mạnh mẽ để hãng bay đẩy nhanh và hiệu quả kế hoạch tái cấu trúc toàn diện và mở rộng mạng đường bay.
Trong kế hoạch thời gian tới, Vietravel Airlines cũng sẽ phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ, nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho công ty trong mảng kinh doanh cốt lõi và phụ trợ. Hiện vốn điều lệ của Vietravel Airlines là 1.300 tỷ đồng và dự kiến sẽ đạt mức 2.000 tỷ đồng, sau khi phát hành thành công.
Cấp tập cấu trúc đội tàu và đường bay
Cùng với biến động nhân sự cấp cao, thời gian qua, Bamboo Airways đã cấu trúc đội tàu dự kiến bao gồm các chủng loại máy bay thân hẹp và phản lực, chỉ khai thác trên các đường bay nội địa trọng điểm, tập trung vào các đường bay trục chính đến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các đường bay du lịch, công vụ có nhu cầu cao; đồng thời, cắt giảm tần suất khai thác một số đường bay không hiệu quả, ít nhu cầu của hành khách.
Mặc dù phải cắt giảm một số đường bay kém hiệu quả để ưu tiên tính kinh tế trong vận hành, nhưng nhìn về mục tiêu trung hạn, Bamboo Airways vẫn đặt mục tiêu sẽ mở rộng mạng bay và đội bay. Hãng cho biết đang làm việc với các nhà cung cấp Boeing và Airbus để triển khai các thoả thuận mua tàu bay đã được ký kết, nhằm chủ động gia tăng nguồn lực đội tàu bay giai đoạn 2024 - 2028 và những năm tới, kịp thời đón đầu thời điểm nhà ga hành khách T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào khai thác.
Có thể thấy, những hoạt động tái cấu trúc của Bamboo Airways không chỉ đến từ những vấn đề của nội tại doanh nghiệp mà còn cần đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành cũng đang nỗ lực có những thay đổi để đón đầu cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn nữa của ngành hàng không trong trung hạn.
Vietravel Airlines sau ba năm đi vào hoạt động, đang tập trung khai thác các mạng đường bay nội địa và khu vực châu Á với đội tàu bay 6 chiếc A321. Mục tiêu của hãng này là tiếp tục tăng lên 12 chiếc trong năm tiếp theo.
Ngoài ra, lãnh đạo Vietravel Airlines không giấu tham vọng muốn tăng quy mô đội bay lên 25 chiếc vào năm 2025 và 50 chiếc vào năm 2030 đúng như kế hoạch đã được đề ra ngay từ những ngày đầu thành lập hãng.
Trong khi đó, Vietnam Airlines với đội bay hiện tại 100 chiếc, trong đó gồm 65 máy bay thân hẹp, khai thác hơn 97 đường bay tới 21 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế cũng đang muốn mở rộng đội bay.
Với nhu cầu dòng máy bay thân hẹp, Vietnam Airlines cho biết cần bổ sung khoảng 60 máy bay đến năm 2030 và khoảng 100 máy bay đến năm 2035, trong đó có phương án xem xét khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX. Dòng máy bay 737 MAX sẽ giúp Vietnam Airlines đạt tầm bay đến 3.500 hải lý (6.480km) nhằm phục vụ các đường bay quốc tế và khu vực ngày càng đông hành khách.
Hồi đầu tháng 9, Vietnam Airlines đã ký kết bản ghi nhớ với Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 Max với giá trị 10 tỷ USD.
Thông tin với báo chí, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines đang lập đề án tái cơ cấu tổng thể để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong tương lai và phải tính toán đến chiến lược phát triển đội máy bay trong thời gian tới. Trước đó, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các hãng bay bị ảnh hưởng nặng nề và cạn kiệt tài chính.
“Theo kế hoạch, lịch nhận và giao máy bay sẽ diễn ra từ năm 2027-2030, có nghĩa là còn 4 năm để Vietnam Airlines chuẩn bị những vấn đề cần thiết tiếp nhận máy bay, kể cả huy động dòng vốn. Đây là dự án lớn nhất mà hãng triển khai thực hiện và vấn đề thu xếp vốn triển khai lập dự án cũng như quyết định chủ trương đầu tư được đặc biệt quan tâm”, ông Hiền nói.
Ông Hiền cho hay, sau sự kiện ký kết, Vietnam Airlines và Boeing sẽ trao đổi tìm kiếm các cơ hội, giải pháp nguồn vốn phù hợp với năng lực tài chính và khả năng thu xếp của hãng. Vietnam Airlines chắc chắn đảm bảo cân đối một phần nguồn vốn cho dự án này thông qua quá trình tái cơ cấu tổng thể và toàn diện đồng thời kỳ vọng sự phục hồi của lĩnh vực hàng không song song với quá trình triển khai dự án này.
Cũng theo Kế toán trưởng Vietnam Airlines, hãng này sẽ tiếp tục làm việc với các định chế tài chính khác để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất, bao gồm cả giải pháp ngắn và trung, dài hạn, cho khoản tiền trả trước và giải pháp bán và thuê lại máy bay.
Hiện chưa rõ phương án thu xếp vốn cụ thể của Vietnam Airlines ra sao giữa lúc hoạt động kinh doanh vẫn thua lỗ. Tuy nhiên, với những hé mở như trên từ lãnh đạo Vietnam Airlines, có thể thấy hãng bay này sẽ tìm mọi cách đón đầu giai đoạn sôi động sắp tới của ngành hàng không, nhất là khi các hãng bay “sinh sau” cũng đang có những bước “chạy đà” mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn.