Cuộc “đại phẫu” của hãng bay
Mọi tiến trình tái cấu trúc đều được xem như những cuộc “đại phẫu” của doanh nghiệp. Nhiều lĩnh vực, định hướng sẽ được tái xem xét và điều chỉnh theo lộ trình mới, không thể tránh khỏi việc ảnh hưởng tới cơ cấu đầu ra sản phẩm, dịch vụ, cùng với đó là mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động, mạng lưới đối tác, và khách hàng. Tuy nhiên, ở những thời khắc quyết định, đây là bước đi cần thiết, vì còn tồn tại, là còn cơ hội để phát triển.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2017, được ca ngợi như một làn gió mới về tiêu chuẩn dịch vụ trên thị trường hàng không, Bamboo Airways đã có những giai đoạn “tỏa sáng”. Liên tục gia tăng đội tàu bay, mở rộng mạng đường bay ngách và quốc tế, hãng bay tân binh từng là đối thủ đáng gờm của cả những hãng hàng không “lão làng”.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng nhanh cùng nhiều tham vọng lớn, cũng đi kèm với những thách thức để lại. Hết năm 2022, Bamboo Airways kinh doanh chưa có lãi. Cùng với đó, khó khăn trong hơn hai năm dịch bệnh cũng là môi trường sàng lọc để nhận diện nhiều điểm cần cải thiện.
Đối với mạng đường bay, Bamboo Airways xây dựng thương hiệu là hãng bay hướng tới gia tăng liên kết vùng, tập trung mở mới các đường bay ngách ở thế “nút thắt cổ chai” nhiều năm. Không thể phủ nhận, những địa phương như Côn Đảo, Cà Mau, Điện Biên… đã có những sự thay da đổi thịt về du lịch và giao thương kinh tế, sau khi được hòa rộng hơn vào mạng bay cả nước. Nhưng đi cùng với đó, là bài toán nan giải về mặt hiệu quả thương mại dành cho hãng bay.
Nhu cầu và tỷ lệ lấp đầy ghế tại các chuyến bay đường ngách thông thường không cao như các đường bay trục chính như Hà Nội - TPHCM - Đà Nẵng. Gồng gánh mạng bay nhiều đường bay ngách, lãnh đạo Bamboo Airways từng cho biết doanh thu từ các đường bay tốt sẽ san sẻ cho các đường bay chưa tốt, để hiệu quả khai thác toàn mạng bay vẫn ở mức ổn.
Nhưng COVID-19 đã làm nhiều điều kiện thay đổi đột ngột. Hoạt động bay quốc tế bị đình trệ khiến các hãng bay đổ dồn tàu về bay các đường ngách nội địa để giảm tình trạng tàu bay đắp chiếu. Tỷ lệ cạnh tranh trên các tuyến ngách tăng cao, khiến doanh thu gặp áp lực. Chưa kể trong đó, còn nhiều trường hợp đường bay có bán hết vé thì hãng bay vẫn phải chịu lỗ, do hạ tầng sân bay còn hạn chế, như Cà Mau.
Đối với bay quốc tế, là hãng ra đời sau, Bamboo Airways cũng gặp trở ngại trong việc được phân slot bay (lượt cất/hạ cánh) ở thị trường quốc tế. Việc chia slot căn cứ vào yếu tố lịch sử, hãng bay mới muốn lấy được slot phù hợp cần thời gian. Để lấy được giờ bay đẹp, một hãng bay mới có thể phải chờ từ một đến hai năm, trong khi thời gian không phải là điều Bamboo đang có nhiều.
Tái cấu trúc song song với khai thác
Đại diện Bamboo Airways cho biết trong thời gian vừa qua, để khôi phục hoạt động giai đoạn hậu khủng hoảng COVID-19 nói chung, cũng như tái định hướng để giải quyết các vấn đề nội tại nói riêng, Bamboo Airways song song duy trì khai thác đảm bảo an toàn, an ninh tuyệt đối và chất lượng dịch vụ tốt, cùng lúc triển khai quyết liệt các giải pháp để tái cấu trúc toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với công tác điều phối đội tàu bay, Bamboo Airways đã và đang tích cực thảo luận, đàm phán với các đối tác để tái thiết kế cơ cấu và quy mô đội tàu phù hợp với yêu cầu hoạt động mới, ưu tiên tính kinh tế trong vận hành, chuẩn hóa đồng nhất cấu hình tàu bay, tiết giảm nhiên liệu và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, Bamboo Airways tiếp tục đa dạng hoá mạng lưới đối tác tiềm năng để chuẩn bị cho kế hoạch tăng cường số lượng tàu bay trong trung hạn, làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp Boeing và Airbus để triển khai các thoả thuận mua tàu bay đã được ký kết, nhằm chủ động nguồn lực đội tàu bay giai đoạn 2024 – 2028 và những năm tiếp theo.
Đối với mạng đường bay, Bamboo Airways đã rà soát thực tế nhu cầu hành khách cũng như các điều kiện thị trường cho phép, tiến hành cắt giảm tần suất khai thác một số đường bay không hiệu quả, ít nhu cầu của hành khách nói chung, đồng thời tăng cường khai thác trên các tuyến bay ghi nhận nhu cầu hành khách cao, qua đó gia tăng hiệu quả thương mại nói chung trên toàn mạng, cũng như đáp ứng tối ưu nhất dung lượng thị trường.
Về hệ thống dịch vụ khách hàng, Bamboo Airways đã tiến hành nâng cấp hệ thống về mặt cốt lõi từ tháng 9/2023, theo hướng hiện đại hóa, tối ưu hơn, ngang tầm chuẩn quốc tế đang được áp dụng đối với các hãng hàng không truyền thống đầy đủ dịch vụ (full service) trên thế giới. Thông qua các điểm chạm dịch vụ được điều hành bởi hệ thống mới, hành khách được trải nghiệm quy trình sử dụng dịch vụ trước, trong và sau chuyến bay thông suốt, nhanh chóng và thuận tiện hơn, đặc biệt với các hành trình bay quốc tế nối chuyến phức tạp.
Những giải pháp tổng thể kể trên đã bước đầu tái định vị các mảng hoạt động cốt lõi của Bamboo Airways, với số lượng đội tàu dự kiến hai chủng loại thân hẹp và phản lực, khai thác trên các đường bay nội địa trọng điểm, nổi bật tập trung vào các đường bay trục chính đến Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, các đường bay du lịch, công vụ có nhu cầu cao, cũng như các đường bay quốc tế tới Đông Nam Á, đại diện Bamboo Airways cho biết.
Có thể nói, đây là tin mừng đối với Bamboo Airways nói riêng và thị trường nói chung, khi đơn vị này đã sớm tìm được những lối đi phù hợp và cần thiết để duy trì hoạt động ổn định. Những sự chuyển mình đổi mới bước đầu này là nền tảng quan trọng, tạo đà cho tiến trình tái cơ cấu dài hạn đang tiếp tục được Bamboo Airways triển khai, nhằm tái thiết bộ máy theo hướng tinh và gọn, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của Hãng, thu hút nguồn lực chất lượng và các nhà đầu tư chiến lược.