Khi mà thị trường lao động vẫn tiếp tục vững vàng, phố Wall dường như đang hướng nhiều hơn đến quan điểm cho rằng kinh tế đủ mạnh mà không cần đến sự hỗ trợ của lãi suất.
Thị trường chứng khoán Mỹ đi ngang trong phiên ngày thứ Sáu (ngày 7/6). Trong ngày đã có lúc các chỉ số chứng khoán tăng mạnh và lập kỷ lục dù rằng báo cáo thị trường việc làm tốt vượt kỳ vọng.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 hạ 0,11%, xuống 5.346,99 điểm sau khi chạm ngưỡng cao chưa từng thấy trước đó trong phiên. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 87 điểm, xuống 38.798,99 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,23%, xuống 17.133,13 điểm.
Cả 3 chỉ số chính của thị trường đã có một tuần tăng điểm mạnh. Tính cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,29%; chỉ số S&P 500 tăng gần 1,32% còn chỉ số Nasdaq tăng 2,38%.
Thị trường chứng khoán đang hồi phục từ những áp lực trước đó trong phiên. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng hơn 15 điểm cơ bản.
Số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp Mỹ tăng 272.000 trong tháng 5/2024, cao hơn so với mức 190.000 theo dự báo của các chuyên gia tham gia khảo sát của Dow Jones và mức 175.000 của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngay cả khi số lượng việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng vẫn tăng lên chạm ngưỡng 4%.
Nhà đầu tư đã không ngừng kỳ vọng số liệu việc làm yếu sẽ khiến cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hướng nhiều hơn đến việc hạ lãi suất trong năm nay. Giờ đây, khi mà thị trường lao động vẫn tiếp tục vững vàng, phố Wall dường như đang hướng nhiều hơn đến quan điểm cho rằng kinh tế đủ mạnh mà không cần đến sự hỗ trợ của lãi suất.
“Chúng ta đều nên hạnh phúc rằng, chúng ta có một nền kinh tế tăng trưởng đủ mạnh. Suy cho cùng, các yếu tố như tăng trưởng GDP, lợi nhuận doanh nghiệp, tình hình tiêu dùng của doanh nghiệp, tất cả những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong dài hạn”, Phó Chủ tịch kiêm cựu Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia – ông Gary Cohn nói với CNBC.
Báo cáo thị trường việc làm Mỹ được công bố sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất lần đầu tiên từ năm 2019, diễn biến này gây ra thêm áp lực lê FED trong việc cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ. FED sẽ có cuộc họp bàn về chính sách lần gần nhất vào ngày 11 - 12/6 tới đây.
Cổ phiếu hãng sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo Nvidia đóng cửa giảm trong phiên ngày thứ Sáu, tuy nhiên vẫn tăng được hơn 10% trong tuần qua. Cổ phiếu này lập kỷ lục trong phiên ngày thứ Năm, giá trị vốn hóa của Nvidia vì vậy vượt 3 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử.
Tính đến hết phiên ngày thứ Sáu, giá dầu thô có tuần giảm thứ 3 liên tiếp bởi những nỗi lo về khả năng nhu cầu dầu có thể suy yếu ngay cả khi mà OPEC+ có kế hoạch gia tăng sản lượng dầu.
Nhà đầu tư trên thị trường Mỹ và Anh đã bán mạnh dầu trong những phiên đầu tuần sau khi các thành viên OPEC+ cho biết họ sẽ ngừng kế hoạch cắt giảm 2,2 triệu thùng dầu từ tháng 10/2024. Số liệu việc làm Mỹ kém cũng như mức lương thấp cũng gây sức ép lên thị trường.
Tổng hợp từ CNBC,Bloomberg