Doanh nghiệp bán lẻ: Bật lên từ đáy

Sau giai đoạn tăng trưởng bất chấp đại dịch, 2023 trở thành “nốt trầm” của các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ và điện tử gia dụng, với điểm nhấn là cuộc chiến giá khốc liệt khiến lợi nhuận hầu hết các doanh nghiệp đều “bốc hơi”.

Tháng 4/2023, PwC công bố một báo cáo khảo sát về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023 với con số gây bất ngờ - có đến 62% người dùng cho biết đã dừng hoàn toàn hoặc đang cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết. Khảo sát cũng chỉ ra, trong số các khoản chi tiêu không thiết yếu dự kiến bị cắt giảm, thiết bị điện tử là khoản ưu tiên cắt giảm thứ ba chỉ sau hàng hóa xa xỉ và du lịch.

Thực tế, thị trường bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ các sản phẩm công nghệ thông tin và điện tử gia dụng (ICT & CE) trong năm 2023 đã chứng kiến sức cầu sụt giảm mạnh và phần nào diễn biến đúng như những gì được dự báo.

punctuating-titles-language-review-presentation-in-teal-bold-style-6-7757-455.jpg

Trong bối cảnh sức mua sụt giảm, từ đầu quý 2/2023 để “cứu vãn” doanh thu và thị phần, một số “ông lớn” bán lẻ ICT & CE đã khởi xướng cuộc chiến giá và cuốn các chuỗi bán lẻ nhỏ hơn tham chiến. Tuy nhiên, như lời một vị chủ tịch trong ngành này từng nói “cạnh tranh về giá là một cuộc chiến mà không ai có lợi cả”. Đến thời điểm hiện tại, dù có thể tăng thêm được thị phần nhưng lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ ICT & CE đều bị bào mòn.

Điều này càng thể hiện rõ nét hơn qua bức tranh kết quả kinh doanh của các “ông lớn” bán lẻ niêm yết trên sàn chứng khoán mà nổi bật nhất có thể kể đến hai “kỳ phùng địch thủ” là Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động (mã MWG) và Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT).

Với Thế Giới Di Động, ba quý đầu năm 2023 lợi nhuận sau thuế đã rơi về mức đáy với vỏn vẹn vài chục tỷ đồng mỗi quý. Sang quý 4/2023, lợi nhuận của Thế Giới Di Động có cải thiện hơn nhờ trùng vào mùa cao điểm cuối năm và thời điểm ra mắt iPhone mới. Song theo dự báo chung của nhiều công ty chứng khoán, lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của Thế Giới Di Động có thể chỉ hơn 400 tỷ đồng, hoàn thành gần 10% kế hoạch, giảm khoảng 90% so với cùng kỳ năm 2022 và cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tương tự, với FPT Retail, kết quả kinh doanh kém tích cực của FPT Shop cũng ảnh hưởng nặng nề đến lợi nhuận hợp nhất của công ty, dù chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn ghi nhận tăng trưởng. Theo đại diện FPT Retail, ước tính doanh thu hợp nhất năm 2023 của công ty vẫn tăng trưởng một chữ số so với năm 2022 nhưng lợi nhuận khả năng không đạt kế hoạch. Thậm chí, theo dự báo của Chứng khoán Rồng Việt, năm 2023, FPT Retail có thể lỗ ròng 227 tỷ đồng – mức lỗ kỷ lục kể từ khi niêm yết.

Không chỉ các doanh nghiệp niêm yết, một số chuỗi bán lẻ công nghệ nhỏ hơn cũng bị ảnh hưởng khi thị trường rơi vào giai đoạn trầm lắng. Đơn cử, chuỗi CellphoneS ước tính doanh thu tăng 6% trong năm 2023 nhưng lợi nhuận chỉ bằng khoảng 20% của năm 2022.

nguyen-lac-huy-4811-2487.jpg

Nhìn lại một năm đầy thăng trầm với ngành bán lẻ công nghệ, ông Nguyễn Lạc Huy, Giám đốc truyền thông CellphoneS cho biết, những khó khăn của thị trường ICT năm 2023 đã bắt đầu từ nửa cuối năm 2022 và cuộc chiến giá đã nhen nhóm từ quý 4/2022. Tuy nhiên, phải tới quý 2/2023 cuộc chiến giá mới bùng lên mạnh mẽ. Đây cũng là quý khó khăn nhất trong nhiều năm của ngành bán lẻ công nghệ, thậm chí còn tệ hơn trong thời COVID 2021 - 2022.

“Các nhà bán lẻ lớn kéo nhau vào một cuộc chiến giá thực sự khốc liệt nhất trong lịch sử, cả hãng, nhà phân phối cũng bị kéo vào, các ngành hàng nhạy cảm về giá bán như iPhone chịu ảnh hưởng lớn nhất, trong khi các ngành hàng khác cũng khó tránh khỏi cuộc chiến giá với lợi nhuận thấp, thậm chí âm giá vốn”, ông Huy nói.

Tương tự, với chuỗi Di Động Việt - vốn theo đuổi chiến lược giá rẻ ngay từ đầu - cuộc chiến giá dù giúp doanh thu liên tục tăng trưởng khoảng 20% - 30%, nhưng lợi nhuận gần như không đáng kể.

Quảng cáo

Sức tiêu thụ của các doanh nghiệp bán lẻ sụt giảm cũng phần nào ảnh hưởng đến tăng trưởng của các doanh nghiệp bán buôn trong ngành như Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã DGW) hay Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET). Trong đó, lợi nhuận của Digiworld dự báo sụt giảm hơn 40% so với năm 2022, đạt hơn 390 tỷ đồng; trong khi lợi nhuận của Petrosetco ước đạt khoảng 180 tỷ đồng, không hoàn thành kế hoạch đề ra (dù là lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng hay lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng).

punctuating-titles-language-review-presentation-in-teal-bold-style-9-5117-7420.jpg

Nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ có thể nhận thấy sức mua đã tạo đáy vào quý 2/2023 và dần hồi phục nửa cuối năm. Các số liệu vĩ mô cũng đã bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc, xuất khẩu bước đầu hồi phục, lạm phát hạ nhiệt,… báo hiệu sức mua có thể hồi phục trong thời gian tới, tuy nhiên tốc độ hồi phục dự kiến sẽ chậm.

Dự báo thị trường năm 2024, ông Nguyễn Lạc Huy cho rằng, ngành bán lẻ công nghệ khả năng sẽ còn tiếp tục gặp khó khi đây không phải ngành hàng thiết yếu và sức mua của người dân chưa có dấu hiệu được cải thiện nhiều.

“Dù vậy, cuộc chiến giá đã không còn gay gắt như từ cuối năm ngoái tới hết quý 3/2023 bởi mục tiêu của các nhà bán lẻ, đặc biệt các nhà bán lẻ niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ là một năm 2024 có lợi nhuận tốt và để làm được việc đó thì không thể duy trì chiến giá nhưng ngược lại sẽ có nhiều sản phẩm độc quyền được bán với mức giá cao hơn, lãi gộp cao hơn các năm trước”, ông Huy nhìn nhận.

nguyen-duc-tai-4025-1202.png

Tại cuộc gặp nhà đầu tư hồi giữa tháng 11/2023, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế Giới Di Động cũng khẳng định công ty vẫn đuổi chiến lược giá rẻ nhưng sẽ có điều chỉnh. “Công ty sẽ phối hợp chặt với các hãng để đem đến những sản phẩm vượt trội hơn, độc quyền, giá cạnh tranh hơn và các sản phẩm vệ tinh như phụ kiện, gia dụng. Với sự tiếp sức từ hãng, Thế Giới Di Động vẫn sẽ sống khoẻ còn các đối thủ chỉ thở thôi”, ông Tài nói.

Cùng với việc điều chỉnh chiến lược giá rẻ, để hướng đến năm 2024 tăng trưởng doanh thu, thị phần và cải thiện mạnh mẽ lợi nhuận, từ quý 4/2023, Thế Giới Di Động bắt đầu có những động thái nhằm tái cấu trúc toàn diện để vận hành tinh gọn hơn. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc mạnh tay đóng cửa 200 cửa hàng kinh doanh kém hiệu quả ngay trong quý 4. Đồng thời, triển khai tái cấu trúc về mọi mặt từ khối lượng cửa hàng, kho vận đến các phòng ban hậu cần, quản lý doanh nghiệp; tập trung giữ các hoạt động cốt lõi, các chuỗi cửa hàng/ngành hàng tạo ra giá trị cho doanh nghiệp hiện tại hoặc trong tương lai gần.

Trong khi đó, FPT Retail lại sớm quyết định rút khỏi cuộc chiến giá và tiếp tục kiên trì theo đuổi chiến lược tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, đa dạng hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tương tự, các chuỗi bán lẻ công nghệ nhỏ hơn cũng đang có những dự định riêng cho năm 2024. Trong đó, CellphoneS có kế hoạch tiếp tục mở mới cửa hàng ở các thành phố chưa có mặt, cũng như nâng cấp các cửa hàng đã có doanh số tốt, đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, chuỗi này cũng sẽ đẩy mạnh việc mở rộng các ngành hàng mới như gia dụng, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…

Còn Di Động Việt khẳng định vẫn kiên trì theo đuổi chính sách giá rẻ, nhưng đảm bảo không cắt bớt dịch vụ, bảo hành, hậu mãi dành cho khách hàng. “Năm 2024, để duy trì việc chuyển giao giá trị vượt trội cho khách hàng, Di Động Việt sẽ tiếp tục đẩy mạnh bán lẻ cả ở kênh offline và đặc biệt là kênh online, tích hợp bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu, thói quen mua sắm của nhiều tệp khách hàng”, bà Phùng Phương, Giám đốc truyền thông Di Động Việt cho biết.

Có thể thấy, sau giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến giá rẻ, các chuỗi bán lẻ ICT & CE đã và đang định vị lại chiến lược kinh doanh để đón đầu sự phục hồi trong giai đoạn sắp tới. Năm 2024, dù còn đó những khó khăn với các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ nhưng một chu kỳ tăng trưởng trở lại đang mở ra và theo giới phân tích, năm 2025, doanh thu của hai mảng ICT & CE có thể sẽ dần quay trở lại mức của năm 2022 - mức đỉnh điểm tiêu dùng sau đại dịch.

Xa hơn nữa, dư địa tăng trưởng cho các nhà bán lẻ ở lĩnh vực này vẫn lớn bởi thị trường Việt Nam có dân số tới trên 100 triệu người, trong đó 70% dưới 35 tuổi, dân số thành thạo về công nghệ cũng ngày càng tăng, cộng với sự phát triển của thương mại điện tử và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần có những chiến lược và hành động phù hợp, linh hoạt để có thể bắt nhịp hồi phục và tăng trưởng đường dài.

Theo Ấn phẩm Sức mạnh nội lực Copy

Cùng chuyên mục Doanh nghiệp

Vinhomes chi 11.000 tỷ đồng cho thương vụ mua cổ phiếu “khủng” nhất thị trường

Sau 22 phiên giao dịch (từ ngày 23/10 - 21/11), Vinhomes đã mua tổng cộng gần 247 triệu cổ phiếu quỹ, giá trị giao dịch ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng. Số cổ phiếu quỹ Vinhomes mua được chiếm 66,75% tổng khối lượng đăng ký.

Vinhomes tách công ty quy mô 18.500 tỷ đồng chuyên quản lý khu công nghiệp thành 3 công ty con 100 triệu cổ phiếu đầu tiên "về túi" Vinhomes trong thương vụ lịch sử của chứng khoán Việt Nam

Doanh nghiệp buôn thực phẩm mua 17,2 triệu cổ phiếu VIB, Chủ tịch Digiworld không còn là cổ đông lớn Viettel Construction

Công ty CP Đầu tư Phát triển Quang Kim báo cáo đã mua vào 17,2 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam vào ngày 11/11, nâng tỷ lệ sở hữu tại VIB lên 0,577%.

Viettel Construction (CTR) báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận kỷ lục năm 2023 Viettel Construction báo lãi kỷ lục năm 2023

Nhiều động thái mới tại Tập đoàn FLC

FLC đã tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát; khởi động lại hàng loạt dự án trọng điểm, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý và tài chính cho các dự án.

FLC sau 2 năm tái cấu trúc: Đã cắt giảm 60% nhân sự, trả 4.400 tỷ đồng nợ vay Gần 1 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào cuối năm: Các công ty liên quan đến Vạn Thịnh Phát, Novaland, FLC đóng góp nghìn tỷ, LDG có Chủ tịch vừa bị khởi tố cũng sẽ phải trả hàng trăm tỷ