Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm thứ Năm cho biết chính quyền sẽ thực hiện các động thái tiền tệ cần thiết để ổn định tỷ giá hối đoái.
Phát biểu của ông Suzuki được đưa ra sau khi đồng yên chọc thủng đáy kể từ tháng 12/1986, đạt mức 160,86 yên đổi 1 USD vào sáng sớm cùng ngày.
“Chúng tôi muốn tỷ giá hối đoái diễn biến ổn định. Những diễn biến nhanh chóng và một chiều là điều không mong muốn. Đồng thời, chúng tôi quan ngại sâu sắc về ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên nền kinh tế”, ông Suzuki nói với các phóng viên.
“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến, phân tích các yếu tố đằng sau chúng và sẽ thực hiện các động thái cần thiết”, vị quan chức Nhật Bản nhấn mạnh – dấu hiệu cho thấy chính quyền sẵn sàng can thiệp vào thị trường.
Tổng thư ký Nội các Yoshimasa Hayashi cũng phát biểu tại một cuộc họp báo vào hôm thứ Năm rằng Tokyo sẽ có hành động “thích hợp” chống lại các diễn biến tiền tệ quá lớn.
Chính quyền Nhật Bản đang phải đối mặt với áp lực mới nhằm chống lại sự mất giá mạnh của đồng yên, vốn đã giảm 12% trong năm nay so với đồng đô la khi chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ còn lớn.
Sự sụt giảm nhanh chóng của đồng yên xuống dưới mức 160 yên/USD làm dấy lên suy đoán của thị trường về khả năng chính phủ Nhật Bản lại can thiệp bằng cách mua đồng yên.
Masafumi Yamamoto, chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Securities, cho biết: “Ở thời điểm này, các nhà chức trách có lẽ đang bắt đầu lo lắng không chỉ về tốc độ mà còn về mức độ trượt giá”. “Nếu không can thiệp, đồng yên có nguy cơ sẽ rớt xuống mức 162 yên/USD”.
Tokyo đã chi 9,8 nghìn tỷ yên (61 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường ngoại hối vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, sau khi đồng yên chạm mức thấp nhất trong 34 năm, ở mức 160,245/USD vào ngày 29/4.
Theo Reuters