Phiên giao dịch ngày thứ Tư (ngày 1/5), giá dầu hạ hơn 3% xuống 79 USD/thùng, ngưỡng thấp nhất trong 7 tuần. Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh khi nhu cầu yếu đi.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai tháng 6/2024 trên thị trường New York hạ 3,58% xuống 79 USD/thùng. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá dầu thô WTI tăng 10,2%.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 7/2024 hạ 2,89 USD/thùng tương đương 3,35% xuống 83,44 USD/thùng. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá dầu thô toàn cầu tăng 8,3%.
Dự trữ dầu thô thương mại Mỹ, tức không tính dự trữ chiến lược quốc gia (SPR), tăng 7,3 triệu thùng lên 461 triệu thùng trong tuần trước, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế (IEA).
Đây là ngưỡng dự trữ dầu cao nhất tính từ tháng 6/2023, theo giám đốc bộ phận hàng hóa tương lai tại ngân hàng Mizuho Bắc Mỹ - ông Bob Yawger cho hay.
Tại khu vực Trung Đông, Mỹ và các nước đối tác đang vận động cho việc ngừng bắn tại dải Gaza.
Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu dầu trong thời gian tới được dự báo sẽ vẫn ổn định khi mà khu vực tiêu thụ dầu lớn của thế giới là châu Á được kỳ vọng sẽ vẫn tăng trưởng tốt.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2024. IMF khẳng định quan điểm lạc quan về tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, đồng thời IMF cho rằng Trung Quốc cần đưa ra thêm gói kích thích kinh tế.
IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5% trong năm nay, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với thời điểm 6 tháng trước. IMF không thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2025.
“Triển vọng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đã sáng hơn. IMF giờ đây dự báo rằng kinh tế khu vực sẽ chững lại ít hơn so với kỳ vọng trước đây bởi áp lực lạm phát đang giảm đi”, giám đốc bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương – bà Krishna Srinivasan phân tích.
Sự điều chỉnh dự báo của IMF với toàn châu Á – Thái Bình Dương có một phần từ việc IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
IMF cho rằng Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới nơi đầu tư công mang đến động lực quan trọng. Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, tổng quy mô GDP ước tính 3,7 nghìn tỷ USD và nhiều khả năng Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF cũng cho rằng tiêu dùng cá nhân sẽ mang đến động lực quan trọng cho các nền kinh tế tại châu Á.
Theo CNBC,Bloomberg