Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Phương án mới có một số thay đổi so với phương án đã thông qua tại đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2023 ngày 17/10/2023.
Theo đó, tại phương án đã thông qua tại đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 ngày 17/10/2023, Xây dựng Hòa Bình dự kiến phát hành tối đa 274 triệu cổ phiếu, với giá tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu, bao gồm 220 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ và 54 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ.
Còn theo phương án mới, Xây dựng Hòa Bình dự kiến phát hành tổng cộng hơn 252,48 triệu cổ phiếu, trong đó 220 triệu là chào bán riêng lẻ và hơn 32,48 triệu cổ phiếu là phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ.
Cụ thể, tập đoàn dự kiến chào bán 220 triệu cổ phiếu với giá chào bán thấp nhất là 12.000 đồng/cổ phiếu và cao nhất là 14.500 đồng/cổ phiếu - cao gấp đôi so với thị giá chốt phiên ngày 20/11 của cổ phiếu HBC là 7.100 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Thời gian thực hiện trong quý IV/2023 - quý I/2024.
Hòa Bình cho biết, hiện đã có hai nhà đầu tư dự kiến tham gia đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ này, bao gồm: Tumaz and Tumaz Enterprises Ltd mua 100 triệu cổ phiếu và Primetech VN Development and Investment Joint Stock Company mua 120 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu sau chào bán là 18,99% và 22,79% vốn điều lệ tập đoàn.
Với 220 triệu cổ phiếu phát hành với giá chào bán thấp nhất là 12.000 đồng/cổ phiếu và cao nhất là 14.500 đồng/cổ phiếu, Xây dựng Hòa Bình dự kiến thu về từ 2.640 tỷ đồng đến 3.190 tỷ đồng. Số tiền này dùng để thanh toán các khoản nợ vay của công ty với các ngân hàng.
Đối với phương án phát hành để hoán đổi nợ, thay vì phương án 54 triệu cổ phiếu như đã được thông qua, Xây dựng Hòa Bình giảm khối lượng phát hành riêng lẻ còn hơn 32,48 triệu đơn vị. Số cổ phiếu riêng lẻ này cũng dự kiến sẽ phát hành trong quý IV/2023 - quý I/2024.
Theo lý giải của Xây dựng Hòa Bình, vì một số lý do, tập đoàn đã thanh toán nợ cho một số chủ nợ, một số chủ nợ thay đổi ý định hoán đổi nợ,... Do đó, HĐQT quyết định điều chỉnh số lượng cổ phiếu phát hành để hoán đổi nợ căn cứ theo chấp thuận về nguyên tắc bằng văn bản của chủ nợ về việc hoán đổi nợ.
Doanh nghiệp cho biết thêm, các chủ nợ này đều không phải cổ đông của HBC và không có bất kỳ liên quan gì tới người nội bộ và đều là nhà đầu tư trong nước.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tại thời điểm ngày 30/9/2023, tổng nợ của Hòa Bình đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, còn 13.345 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay tài chính là 5.150 tỷ đồng (vay nợ ngắn hạn giảm 704 tỷ đồng, còn 4.400 tỷ đồng và vay nợ dài hạn giảm 277 tỷ đồng, xuống 750 tỷ đồng).
Hồi giữa tháng 10/2023, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình cho biết, công ty đã trả khoản nợ 1.327 tỷ đồng tại 7 ngân hàng, còn dư nợ 4.756 tỷ đồng. Đồng thời, đến giữa tháng 10/2023 cũng đã có gần 100 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu đạt giá trị tương đương 400 tỷ đồng.