Các Giám đốc điều hành của Toyota Motor và công ty con Daihatsu Motor đã xin lỗi về hành vi sai trái, được cho là kết quả của “áp lực cực lớn” mà các nhân viên phải chịu để phát triển các mẫu xe một cách nhanh chóng.
Daihatsu sẽ ngừng bàn giao tất cả ô tô sản xuất tại Nhật Bản và các nơi nhác còn Toyota cũng ngừng bàn giao các mẫu xe bị ảnh hương. Daihatsu cũng cho biết sẽ sớm tạm dừng sản xuất nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.
“Chúng tôi đã không hiểu được những gánh nặng và khó khăn mà nhân viên phải đối mặt khi họ phát triển các mẫu xe theo theo lịch trình ngắn hạn và tạo ra một văn hoá doanh nghiệp không tuân thủ theo quy định pháp luật”, Chủ tịch Daihatsu Soichiro Okudaira cho biết trong cuộc họp báo. “Ban lãnh đạo hoàn toàn chịu trách nhiệm cho việc này”, ông nói.
Phó chủ tịch điều hành Toyota Hiroki Nakajima cho biết Toyota cũng rất coi trọng vấn đề này. Họ dựa vào Daihatsu để phát triển và sản xuất những chiếc xe cỡ nhỏ. “Điều đáng tiếc lớn nhất là chúng tôi không nắm bắt được tình hình tại các bộ phận phụ trách kiểm nghiệm xe. Chính sách của chúng tôi là luôn dừng lại, kiểm tra hiện trường và sản phẩm thực tế khi có vấn đề và chúng tôi rất tiếc là điều này đã không xảy ra tại Daihatsu”, ông nói.
Chủ tịch Soichiro Okudaira của Daihatsu xin lỗi vì bê bối của công ty.
Một cuộc điều tra độc lập được tiến hành kể từ tháng 5 sau khi Daihatsu thông báo tìm thấy sai sót trong các cuộc kiểm tra độ an toàn của 6 mẫu xe. Kết quả điều tra của hội đồng phát hiện thêm 174 sai phạm khác, gồm sai sót trong kết quả kiểm tra và thử nghiệm phương tiện.
64 mẫu xe và 3 động cơ bị ảnh hưởng, gồm cả những mẫu xe vẫn đang được phát triển hoặc đã ngừng sản xuất, trong đó có 22 mẫu xe và 1 động cơ mang thương hiệu Toyota.
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã yêu cầu Daihatsu ngừng bàn giao những chiếc xe của mình cho đến khi tiến hành kiểm tra an toàn đối với chúng. Bộ sẽ kiểm tra trụ sở của Daihatsu ở Osaka vào hôm nay (21/12).
Hội đồng độc lập cho biết công ty này đã ưu tiên phát triển ngắn hạn để cạnh tranh với các đối thủ. Điều này dẫn đến “áp lực cực độ do lịch trình phát triển quá chặt chẽ và cứng nhắc”, dẫn đến hành vi sai phạm. “Đầu tiên và quan trọng nhất, ban lãnh đạo Daihatsu phải chịu trách nhiệm”, Makoto Kaiami, chủ tịch hội đồng cho biết.
Phó chủ tịch điều hành Daihatsu Hiroshima Hoshika cho biết việc đình chỉ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của Daihatsu. Hoạt động này tập trung vào các thị trường như Malaysia và Indonesia thông qua quan hệ đối tác với các hãng ô tô địa phương. Các mẫu xe bán tại thị trường này cũng bị ảnh hưởng.
Doanh số của Daihatsu tại thị trường Nhật và nước ngoài.
Chẳng hạn, mẫu Rush mang thương hiệu Toyota do nhà sản xuất Malaysia là Perodua sản xuất đã được phát hiện có kết quả kiểm tra sai. Mẫu Xenia mang thương hiệu Daihatsu, do Astra International của Indonesia sản xuất bị phát hiện có can thiệp trong các cuộc thử nghiệm.
Tác động tài chính của bê bối này chưa được tiết lộ nhưng chắc chắn danh tiếng của Daihatsu và Toyota sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Toyota từng vướng vào bê bối kiểm soát chất lượng xe vào năm 2022 khi Hino Motors của họ bị phát hiện làm sai lệch dữ liệu khí thải trên xe tải. Đơn vị này sau đó nỗ lặng và chỉ có thể hy vọng vực dậy bằng cách sáp nhập với Mitsubishi Fuso Truck and Bus dưới một công ty cổ phần mới thuộc sở hữu của Toyota và Daimler Truck (sở hữu Mitsubishi).
Nhà phân tích Seiji Sugiura của Tokai nhận định tình thế của Daihatsu có thể tương đồng với Hino 2 năm về trước, đồng thời cho biết thêm chiến lược của Toyota tại châu Á có thể bị ảnh hưởng theo.
Nguồn: Nikkei