"Ông trùm" tiêu thụ dầu
Theo Oilprice, cuộc cách mạng xe điện của Trung Quốc đang mở đường cho sự thống trị về dầu mỏ của Ấn Độ. Các nhà phân tích cho biết Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng tái tạo, kim loại, khoáng sản và vận tải điện bắt đầu mang lại kết quả, dẫn đến gã khổng lồ châu Á có thể sẽ sớm không còn là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trong khi đó, dân số ngày càng tăng của Ấn Độ và quá trình chuyển đổi sang xanh chậm hơn có nghĩa là nước này có thể sẽ chiếm được vị trí này trong vòng 5 năm tới.
Trong khi Ấn Độ có kế hoạch đầy tham vọng nhằm phát triển một ngành công nghiệp năng lượng tái tạo quy mô lớn, phương tiện giao thông truyền thống chạy bằng xăng và dầu diesel dự kiến sẽ vẫn tồn tại lâu dài sau khi nhiều quốc gia khác chuyển sang sử dụng điện. Điều này trái ngược với Trung Quốc, quốc gia được kỳ vọng sẽ chuyển sang sử dụng điện sớm hơn nhiều bởi thị trường xe điện của nước này đã bắt đầu cất cánh.
Nhu cầu dầu của Ấn Độ khó có thể cao bằng nhu cầu của Trung Quốc vào thời kỳ đỉnh cao, tuy nhiên nước này có thể trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất do dân số đông và tiến độ chuyển đổi xanh chậm hơn. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc gần đây dự báo mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh điểm vào khoảng năm 2030.
Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại công ty tình báo dữ liệu Kpler, kỳ vọng Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc về nhu cầu dầu vào năm 2026, trong khi ông cho rằng nhu cầu dầu thô của Ấn Độ có thể đạt đỉnh vào khoảng năm 2036. Quan điểm này đã được nhiều chuyên gia trong ngành đồng tình. Điều này phần lớn dựa trên những thay đổi gần đây trong hoạt động công nghiệp và năng lượng ở hai nước.
Ấn Độ sẽ là động lực của thị trường
Trung Quốc đang dần chuyển đổi sang các giải pháp thay thế tái tạo, tăng tỷ lệ sản xuất điện từ các nguồn xanh mỗi năm. Sản lượng điện của Trung Quốc đã tăng đều đặn trong hai thập kỷ qua, đạt 7.600 TWh vào năm 2020 từ 1.280 TWh năm 2000. Đến năm 2020, nhiên liệu không hóa thạch, bao gồm thủy điện, gió và năng lượng mặt trời, tăng lên 27% trong cơ cấu nguồn điện của Trung Quốc so với 17% vào năm 2000. Năng lượng mặt trời là nguồn phát điện tăng trưởng nhanh nhất của Trung Quốc, tăng trung bình 43% mỗi năm trong thời gian từ 2015 đến 2020 và chiếm 6% sản lượng điện của cả nước vào năm 2020.
Trong khi đó, nhập khẩu dầu của Ấn Độ đã tăng đáng kể trong năm qua do Chính phủ đã tận dụng giá dầu giảm của Nga. Sau xung đột giữa Nga và Ukraine vào năm ngoái và các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với các sản phẩm năng lượng của Nga, một số quốc gia đã tận dụng cơ hội này để mua dầu thô giá rẻ từ Nga. Ấn Độ có ngành lọc dầu mạnh nên phần lớn dầu thô nhập khẩu từ Nga cuối cùng sẽ trở thành nhiên liệu được vận chuyển đến các khu vực khác trên thế giới, bao gồm Mỹ và châu Âu, mặc dù cả hai đều đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu Nga. Ấn Độ cũng đang dự trữ loại dầu thô này khi sẵn có, với mức giá thấp hơn nhiều so với các nguồn thay thế.
Bà Shiqing Xia, nhà tư vấn dầu mỏ và hóa chất tại Wood Mackenzie, tin rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2027 và sau đó sẽ suy giảm trong dài hạn. Bà cho biết: "Bên ngoài Trung Quốc, tổng nhu cầu dầu ở Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng cho đến đầu những năm 2040. Trong hai thập kỷ tới, động lực tăng trưởng của châu Á sẽ là Ấn Độ và Đông Nam Á”.
Khi dân số Ấn Độ vượt Trung Quốc và Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh phát triển năng lực năng lượng sạch, nhiều chuyên gia năng lượng kỳ vọng Ấn Độ sẽ sớm vượt qua gã khổng lồ châu Á để trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Điều này được hỗ trợ bởi một số yếu tố, từ ngành công nghiệp lọc dầu mạnh mẽ của Ấn Độ cho đến sự phát triển nhanh chóng của xe điện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý, một số người cho rằng sự thay đổi có thể chậm hơn nhiều so với những suy đoán hiện nay.
Theo Oilprice.