Nhóm quỹ ngoại tỷ USD tiếp tục bán MWG, không còn là cổ đông lớn tại Thế Giới Di Động

Từng đặt mục tiêu đầu tư dài hạn, trả chênh lệch so với thị giá để sở hữu MWG, Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners quản lý đã liên tục bán MWG trong thời gian qua, đưa tỷ lệ nắm giữ của nhóm quỹ ngoại từ 5,005% xuống còn 4,99

Nhóm quỹ ngoại tỷ USD tiếp tục bán MWG, không còn là cổ đông lớn tại Thế Giới Di Động

Mới đây, Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners quản lý, vừa thông báo đã bán ra 114 nghìn cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động vào ngày 14/11. Ước tính theo thị giá MWG đóng cửa ngày diễn ra giao dịch (41.500 đồng/cổ phiếu), quỹ ngoại này có thể thu về khoảng 5 tỷ đồng từ việc bán bớt cổ phiếu.

Sau giao dịch, Arisaig Asian Fund Limited đã giảm sở hữu tại MWG từ 50,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,458%) xuống còn 50,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,45%). Tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quỹ ngoại liên quan cũng theo đó giảm từ 5,005% xuống còn 4,997% tương ứng 73 triệu cổ phiếu MWG – chính thức không còn là cổ đông lớn tại MWG.

Arisaig Partners là nhóm quỹ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, quy mô hàng tỷ USD. Lựa chọn của nhóm chủ yếu là các doanh nghiệp đầu ngành, chiếm lĩnh thị phần lớn, có lợi thế cạnh tranh, nắm bắt công nghệ và mang lại lợi nhuận cao.

Quỹ ngoại này từng rất ưa thích cổ phiếu MWG, thậm chí phải mua gom từ các quỹ ngoại khác như Dragon Capital, Pyn Elite Fund,… Giao dịch thường được thực hiện thông qua phương thức thoả thuận qua VSD với mức chênh lệch (premium) lên đến 20% so với thị giá. Nhóm quỹ ngoại cũng nhiều lần khẳng định việc đầu tư dài hạn vào MWG và không có tư duy giao dịch cổ phiếu.

Tuy nhiên, gần đây nhóm quỹ ngoại này đã liên tục bán ra MWG, kể từ tháng 4/2023, quỹ ngoại này đã bán ròng tổng cộng hơn 52 triệu cổ phiếu MWG. Ngược lại, hai quỹ thành viên khác là Arisaig Global Emerging Market Fund (Singapore) Pte.Ltd và Mercer QIF Fund Public Limited Company ghi nhận mua ròng nhẹ. Tổng cộng, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đã hạ xuống dưới ngưỡng 5% vốn như hiện nay.

Bối cảnh quỹ ngoại Arisaig Asian Fund Limited hạ tỷ trọng MWG diễn ra khi kỳ vọng về tăng trưởng của MWG bị hạn chế bởi khó khăn của ngành bán lẻ nói chung và những kế hoạch phát triển của chính MWG nói riêng.

Sau một thời gian tăng trưởng “nóng” nhờ việc mở ồ ạt cửa hàng chiếm lĩnh thị phần, MWG đang phải tái cơ cấu khi đóng bớt các cửa hàng Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động, Bách Hoá Xanh (tại TP. Hồ Chí Minh).

Quảng cáo

Chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn chật vật tìm kiếm lợi nhuận, ngay việc tăng quy mô cửa hàng, điều MWG từng làm tương tự với các chuỗi “đàn anh” cũng khó áp dụng với An Khang khi MWG đi sau Long Châu (FPT Retail). An Khang ghi nhận khoản lỗ luỹ kế hơn 553 tỷ đồng tại cuối quý III/2023.

Tương tự, Bách Hoá Xanh cũng lỗ luỹ kế gần 8.300 tỷ đồng từ năm 2016 đến hết quý III/2023. Trong chia sẻ mới nhất của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG cho biết, từ cuối năm nay, Bách Hóa Xanh sẽ bước sang giai đoạn hoàn toàn khác khi có thể tự kiếm tiền, trang trải chi phí và tập đoàn không phải bù lỗ nữa.

Năm 2024, Bách Hóa Xanh dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2023, trong đó cơ cấu các mặt hàng tươi sống chiếm khoảng 40-50% được đánh giá là tối ưu. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng dự kiến đạt khoảng 2 tỷ đồng và kỳ vọng sẽ đạt điểm hoà vốn.

Báo cáo tài chính quý III/2023 của MWG cho thấy, MWG tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, doanh thu đạt 30.287 tỷ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp tiếp tục bị thu hẹp xuống chỉ còn 15,3% so với mức 23% cùng kỳ năm ngoái và 18,5% trong quý trước.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, MWG báo lãi 37 tỷ đồng, giảm đến 96% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin về cuộc “chiến giá” mà MWG phát động, ông Tài cho biết, Thế Giới Di Động mất lợi nhuận do cạnh tranh về giá nhưng đổi lại được nhiều thứ, có thể dễ dàng nhận thấy nhất là thị phần.

Ban lãnh đạo Thế Giới Di Động khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược giá rẻ nhưng sẽ có điều chỉnh. Công ty sẽ phối hợp chặt với các hãng để đem đến những sản phẩm vượt trội hơn, độc quyền, giá cạnh tranh hơn và các sản phẩm vệ tinh như phụ kiện, gia dụng. “ Với sự tiếp sức từ hãng, Thế Giới Di Động vẫn sẽ sống khoẻ còn các đối thủ giờ chỉ thở thôi”, ông Tài nói.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, đại diện Di Động Việt cho biết, hiện tại thị phần của Di Động Việt đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Trong bối cảnh thị trường chung khó khăn, chỉ có “thở” thôi doanh số bán của Di Động Việt vẫn tăng trưởng liên tục trong những tháng qua”, bà Phương nói và dẫn chứng doanh số quý III/2023 cao hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt sự xuất hiện sớm của iPhone 15 vào những ngày cuối tháng 9 đã giúp cho doanh số bán trong tháng 9 năm nay cao hơn 50% so với năm ngoái. Và với tín hiệu tích cực trong tháng 10 vừa qua, dự kiến quý IV doanh số tại Di Động Việt sẽ tiếp tục tăng 40% so với cùng kỳ.

Tương tự, đại diện CellphoneS cũng cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt về giá cả, khách hàng của CellphoneS vốn là những người khá nhạy cảm về giá bán và am hiểu về thị trường vẫn tiếp tục lựa chọn CellphoneS. Thêm vào đó, việc cạnh tranh giá cũng giúp các chuỗi lớn như CellphoneS tiếp cận được thêm nhiều khách hàng hơn và giành thêm được thị phần.

Theo thitruongtaichinhtiente.vn Copy

Cùng chuyên mục Doanh nghiệp

Vinhomes chi 11.000 tỷ đồng cho thương vụ mua cổ phiếu “khủng” nhất thị trường

Sau 22 phiên giao dịch (từ ngày 23/10 - 21/11), Vinhomes đã mua tổng cộng gần 247 triệu cổ phiếu quỹ, giá trị giao dịch ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng. Số cổ phiếu quỹ Vinhomes mua được chiếm 66,75% tổng khối lượng đăng ký.

Vinhomes tách công ty quy mô 18.500 tỷ đồng chuyên quản lý khu công nghiệp thành 3 công ty con 100 triệu cổ phiếu đầu tiên "về túi" Vinhomes trong thương vụ lịch sử của chứng khoán Việt Nam

Doanh nghiệp buôn thực phẩm mua 17,2 triệu cổ phiếu VIB, Chủ tịch Digiworld không còn là cổ đông lớn Viettel Construction

Công ty CP Đầu tư Phát triển Quang Kim báo cáo đã mua vào 17,2 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam vào ngày 11/11, nâng tỷ lệ sở hữu tại VIB lên 0,577%.

Viettel Construction (CTR) báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận kỷ lục năm 2023 Viettel Construction báo lãi kỷ lục năm 2023

Nhiều động thái mới tại Tập đoàn FLC

FLC đã tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát; khởi động lại hàng loạt dự án trọng điểm, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý và tài chính cho các dự án.

FLC sau 2 năm tái cấu trúc: Đã cắt giảm 60% nhân sự, trả 4.400 tỷ đồng nợ vay Gần 1 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào cuối năm: Các công ty liên quan đến Vạn Thịnh Phát, Novaland, FLC đóng góp nghìn tỷ, LDG có Chủ tịch vừa bị khởi tố cũng sẽ phải trả hàng trăm tỷ