Những doanh nghiệp có "cửa sáng" hưởng lợi theo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Với chủ trương ưu tiên nội địa hóa, nhiều doanh nghiệp sắt thép, vật liệu xây dựng, nhà thầu thi công,... được kỳ vọng có cơ hội tham gia sâu vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và không để vụt mất cơ hội ngay trên sân nhà.

ds.jpg
Ảnh minh họa

Chiều ngày 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với tổng mức đầu tư 1,713 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 67 tỷ USD) từ nguồn ngân sách trong các kỳ đầu tư công trung hạn và vốn hợp pháp khác.

Dự án có tổng chiều dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), đi qua 20 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.

Toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Theo lộ trình dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang (642km) vào cuối năm 2027 với tổng mức đầu tư khoảng 29,1 tỷ USD. Đoạn Vinh - Nha Trang (899km) dự kiến sẽ được khởi công trước năm 2030. Mục tiêu phấn đấu hoàn thiện toàn bộ tuyến đường vào năm 2035.

Việc thực hiện đầu tư tuyến đường sắt cao tốc ước tính sẽ tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD, phần lớn dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng, bao gồm các phần cầu hầm, nền đường. Đây cũng chính là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp trong nước tham gia, nâng cao năng lực cạnh tranh khi đề xuất nội địa hóa đang được ưu tiên.

Nhiều doanh nghiệp sắt thép, vật liệu xây dựng hưởng lợi

Trong một báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Vietnam trên cơ sở tham khảo cơ cấu chi phí đầu tư từ các dự án đường sắt cao tốc ở Trung Quốc đã thống kê được chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư là chi phí xây dựng, chiếm 48%, theo sau là toa xe/tàu (15%) và đường ray (9%).

s-aicmscdn-nhipsongkinhdoanh-vn_nhung-doanh-nghiep-co-cua-sang-huong-loi-theo-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam_674e945eda441.png
Tỷ trọng các hạng mục và chi phí đầu tư dự kiến của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nguồn: Yuanta dự phóng.

Theo đó, đứng đầu trong danh sách những ngành hưởng lợi là sắt thép vì Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng sắt thép trong nước. Sắt thép cũng là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất cho dự án.

Trong số các doanh nghiệp sắt thép, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) được đánh giá là doanh nghiệp có thể được hưởng lợi đáng kể từ dự án đường sắt tốc độ cao với lợi thế là doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) đầu ngành.

Bản thân lãnh đạo Hòa Phát cũng khẳng định hiện tại dự án Dung Quất 2 có thể sản xuất được những loại thép có chất lượng cao hơn cả đường ray tàu cao tốc. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có thể cung cấp nhiều loại thép khác cho dự án.

Chia sẻ với truyền thông, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, nếu trở thành nhà cung cấp thép cho dự án, Hòa Phát cam kết đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Các chủng loại sắt thép này đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án và đảm bảo giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu.

Quảng cáo

Bên cạnh sắt thép, Chứng khoán Yuanta dự báo các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như đá, xi măng, gạch ốp lát mà đang còn trữ lượng lớn, thời hạn khai thác dài hoặc đang chuẩn bị được cấp giấy phép sẽ được hưởng lợi.

Trong đó, Công ty CP Hóa An (mã DHA), Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã KSB), Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (mã VLB),… là những doanh nghiệp vật liệu hưởng lợi nhờ trữ lượng lớn, giấy phép khai thác dài hạn. Trong khi, Công ty CP Xi Măng Vicem Hà Tiên (mã HT1), Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (mã BCC),… lại là các đơn vị có lợi thế về năng lực sản xuất, khả năng đáp ứng nhu cầu cao và kinh nghiệm trong nhiều dự án đầu tư công.

Doanh nghiệp thầu xây dựng quyết “không bỏ lỡ cơ hội”

Ở nhóm nhà thầu xây dựng, Chứng khoán Yuanta cho rằng, tổng thầu và tư vấn của dự án đường sắt tốc độ cao nhiều khả năng là doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà thầu trong nước vẫn có thể giành lấy các hợp đồng thầu phụ như Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã CTD), Công ty CP Fecon (mã FCN), Công ty CP Tập đoàn Cienco4 (C4G), Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã VCG) và Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã HHV).

s-aicmscdn-nhipsongkinhdoanh-vn_nhung-doanh-nghiep-co-cua-sang-huong-loi-theo-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam_674e942db1cff.png
Dự báo về các ngành được hưởng lợi từ dự án đường sắt tốc độ cao - Nguồn: Yuanta.

Trong các phát ngôn gần đây, lãnh đạo những doanh nghiệp này cũng đều khẳng định doanh nghiệp trong nước đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu kĩ thuật xây dựng đường sắt tốc độ cao.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Fecon cho hay nhà thầu này đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào các dự án đường sắt đô thị và các hạng mục kết cấu hạ tầng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đặc biệt trong các hạng mục đòi hỏi công nghệ cao và kỹ thuật phức tạp.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả thông tin phía doanh nghiệp hiện có nguồn lực về con người, tài chính, kết nối cùng các đơn vị về công nghiệp đường sắt để hợp tác với quốc tế, đưa doanh nghiệp sản xuất quốc tế về Việt Nam và nội địa hóa hoạt động sản xuất phục vụ đường sắt tốc độ cao.

Còn ông Văn Hồng Tuân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cienco4 khẳng định ngay khi có chủ trương của dự án đường sắt tốc độ cao, doanh nghiệp đã quyết tâm phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất (cả về nguồn lực con người và thiết bị) để trong 2 năm tới có thể tham gia dự án.

Nhìn nhận về năng lực của các nhà thầu trong nước, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng: "Nếu như đánh giá hệ thống đường sắt tốc độ cao vẫn là cầu hầm, vẫn là cầu dây văng thì thời gian qua, các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả những công trình trên”.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ 350km/h, độ chính xác liên quan đến tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ. Vì vậy, các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng.

“Tôi khẳng định với năng lực, trình độ các doanh nghiệp Việt hiện nay hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công. Vấn đề cần quan tâm chỉ là nguồn nhân lực lao động”, ông Hiệp nói và nêu thực tế hiện các dự án hiện hữu, bao gồm cả dự án cao tốc đang thiếu nhân lực một cách trầm trọng, nhất là lao động thi công trực tiếp. Do đó, cũng cần tính toán để khi triển khai thi công công trình có đủ lực lượng lao động.

Ngoài các doanh nghiệp thuộc các nhóm trên, theo đánh giá của Yuanta, một số doanh nghiệp đường sắt như Công ty CP Vận tải sắt Hà Nội (mã HRT) hay Công ty CP Vận tải sắt Sài Gòn (mã SRT) cũng nhiều khả năng được giao quản lý, vận hành dự án.

Về phía ngân hàng, trong các đề xuất dự kiến, Việt Nam sẽ vay tối đa 30%, song chưa quyết định vay trong nước hay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Một số đại biểu đề nghị thu hút đầu tư nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội, giảm sức ép đối với ngân sách nhà nước.

Theo đó, Chứng khoán Yuanta cho rằng các ngân hàng quy mô lớn, có chi phí vốn thấp nhất và lãi suất cho vay thấp nhất sẽ có thể tham gia cho vay dự án. Yuanta kỳ vọng một số ngân hàng quốc doanh như Vietcombank (mã VCB), BIDV (mã BID) và VietinBank (mã CTG) được tham gia cấp tài chính cho dự án.

Theo thitruongtaichinhtiente.vn Copy

Cùng chuyên mục Doanh nghiệp

OceanBank đổi tên thành MBV, đồng thời có Chủ tịch và Tổng giám đốc mới

Sau hai tháng MB tiếp nhận, MB vừa chính thức bổ nhiệm nhân sự cấp cao Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc cùng các nhân sự cấp cao HĐTV và Ban Kiểm soát tại OceanBank và cho biết sẽ đổi tên ngân hàng này thành MBV.

Chính phủ đã hoàn thiện phương án chuyển giao CBBank và OceanBank: Vietcombank và MB chuẩn bị tiếp nhận ngân hàng 0 đồng? Chính thức chuyển giao bắt buộc CBBank, OCeanBank về Vietcombank (VCB), MB (MBB) chiều 17/10

Cổ phiếu Viettel Post giảm sàn sau khi tăng hơn 60% trong 1 tháng, 80% lệnh bán đến từ "Sói già" và "Cá mập"

Gần nhất, ngày 3/12, Viettel Post công bố sắp ra mắt sàn thương mại điện tử bán sỉ xuyên biên giới hai chiều đầu tiên tại Việt Nam - VIPO Mall. Trước đây, VTP từng đầu tư một sàn thương mại điện tử nội địa mang tên Vỏ Sò nhưng đã ngừng hoạt động.

Thị trường tiếp đà “lao dốc”, cổ phiếu Sabeco (SAB), Viettel Post (VTP), Hoàng Anh Gia Lai (HAG) “gồng” chỉ số VN-Index Ngược dòng thị trường, cổ phiếu Viettel Post (VTP) tăng kịch trần, VN-Index mất mốc 1.220 điểm

Những doanh nghiệp có "cửa sáng" hưởng lợi theo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Với chủ trương ưu tiên nội địa hóa, nhiều doanh nghiệp sắt thép, vật liệu xây dựng, nhà thầu thi công,... được kỳ vọng có cơ hội tham gia sâu vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và không để vụt mất cơ hội ngay trên sân nhà.

Tp.HCM chưa đầu tư mở rộng vành đai 3 giai đoạn 2, dành vốn làm thêm cao tốc khác Bộ GTVT ưu tiên hơn 55.000 tỉ đồng mở rộng ngay 5 tuyến cao tốc này