Theo dữ liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - Ngân hàng Trung ương của quốc gia này - công bố ngày 11/5, tổng tài trợ vốn toàn xã hội, thước đo tín dụng rộng hơn bao gồm cả vốn tài trợ từ khu vực phi ngân hàng, đứng ở mức 12,73 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,76 nghìn tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1-4/2024, giảm so với mức 12,93 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong quý I/2024. Điều đó cũng đánh dấu mức giảm 3,04 nghìn tỷ Nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm kể từ khi dữ liệu so sánh bắt đầu được thực hiện vào năm 2017, phản ánh sự thu hẹp trong hoạt động tài chính.
Trong khi đó, các khoản vay bằng đồng Nhân dân tệ mới của các ngân hàng ở Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm là 10,19 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Tính toán của tờ The Wall Street Journal dựa trên dữ liệu chính thức cho thấy các khoản vay mới bằng đồng Nhân dân tệ ở mức 730 tỷ Nhân dân tệ, vượt quá kỳ vọng 725 tỷ Nhân dân tệ được đưa ra trong một cuộc khảo sát kinh tế trước đó do Tạp chí này thực hiện.
Trong khi tháng 4 theo truyền thống là tháng chứng kiến nhu cầu tài chính yếu ở Trung Quốc, những trở ngại kinh tế bao gồm sự sụt giảm của thị trường bất động sản kéo dài đã làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Trung Quốc, dẫn đến nhu cầu vay yếu.
Nhu cầu vay vốn của chính phủ Trung Quốc cũng chậm lại đáng kể, là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm tín dụng trong tháng 4. Vốn huy động từ trái phiếu chính phủ đạt 1,26 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong 4 tháng đầu năm, giảm 1,02 nghìn tỷ Nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cũng đánh dấu mức giảm 100 tỷ Nhân dân tệ so với quý đầu tiên, cho thấy lượng trái phiếu chính phủ đến hạn phải thanh toán nhiều hơn hơn lượng phát hành ra trong tháng 4.
Số liệu tín dụng được đưa ra chỉ sau vài giờ khi dữ liệu chính thức cho thấy giá tiêu dùng ở Trung Quốc tăng khiêm tốn trong tháng 4 trong khi giá xuất xưởng tại cổng nhà máy tiếp tục giảm càng cho thấy rõ những khó khăn mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong việc giảm bớt áp lực giảm phát.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã thừa nhận nhu cầu trong nước là chưa đủ trong cuộc họp xây dựng chương trình nghị sự vào tuần trước, đồng thời cam kết tăng tốc vay nợ của chính phủ và gợi ý về việc cắt giảm thêm lãi suất cũng như lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải giữ trong dự trữ (dự trữ bắt buộc).
“Việc phát hành trái phiếu Chính phủ chậm hơn dự kiến trong 4 tháng đầu năm nay sẽ không còn xảy ra trong những tháng tiếp theo trong bối cảnh hỗ trợ tài chính gia tăng và tái đẩy nhanh việc vay nợ của Chính phủ, giúp tín dụng và thanh khoản trong nền kinh tế được duy trì ở mức ổn định ở mức hợp lý”, Bruce Pang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại JLL, cho biết.
Vị chuyên gia này cũng kỳ vọng, các khoản vay ngân hàng sẽ tăng với tốc độ kỷ có trật tự trong vài tháng tới, khi các cơ quan chức năng cố gắng cân bằng giữa việc kiểm soát rủi ro và nới lỏng chính sách. Chuyên gia cho biết, trọng tâm tín dụng vẫn sẽ là các lĩnh vực bao gồm nâng cấp nền công nghiệp, mua bán hàng tiêu dùng, phát hành trái phiếu chính phủ…
M2 của Trung Quốc, thước đo lượng tiền cung cấp cho nền kinh tế, đã tăng 7,2% so với cùng kỳ trong tháng 4, giảm so với mức 8,2% của tháng 3 và so với mức 8,3% mà các nhà kinh tế được WSJ thăm dò ý kiến.