Giá thịt lợn giảm sốc có thể khiến cho Trung Quốc sớm giảm phát trở lại. Việc các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thịt lợn lớn nhất Trung Quốc cung cấp thịt lợn quá nhiều đã “làm khó” nỗ lực của Bắc Kinh trong việc củng cố niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Giá thịt lợn giao hợp đồng tương lai trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên – Trung Quốc đã giảm khoảng 15% tính từ đầu tháng 10/2023. Giá thịt lợn bán buôn trên toàn quốc hiện thấp hơn đến 40% so với cùng kỳ năm trước.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, giá thịt lợn giảm sâu đang gây sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ lại đẩy kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát. Số liệu cụ thể liên quan đến việc này dự kiến sẽ được công bố vào ngày thứ Năm.
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Capital Economics, ông Julian Evans-Pritchard, khẳng định: “Dường như lạm phát tiêu dùng tháng 10/2023 sẽ lại giảm, lý do chính là bởi lạm phát giá cả thực phẩm do giá thịt lợn giảm sâu”.
Việc Trung Quốc giảm phát trở lại sẽ gây tổn hại đến những nỗ lực của giới chức nước này trong việc khôi phục niềm tin vào kinh tế Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc hiện vẫn trong trong trạng thái dễ chịu ảnh hưởng bởi niềm tin người tiêu dùng suy yếu và cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản tại nước này.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, diễn biến theo các đợt chu kỳ. Mỗi khi giá thịt lợn tăng cao, rất nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ lại gia nhập thị trường để đáp ứng việc nhu cầu tăng mạnh. Kết quả, tình trạng dư thừa nguồn cung diễn ra và gây ra tình trạng giá cả sụt giảm, nhiều người nông dân vì vậy buộc phải rút khỏi thị trường.
Bắc Kinh đã cố gắng gia tăng kiểm soát chu kỳ diễn biến giá thịt lợn bằng cách tập trung thêm nhiều hoạt động chăn nuôi vào các nhóm chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, trong năm nay, chính những doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn này đã gây ra tình trạng sụt giảm nghiêm trọng giá thịt lợn.
Vào tháng 7/2023, giá thịt lợn tại Trung Quốc hồi phục sau khi chính phủ Trung Quốc nỗ lực mua vào, tuy nhiên sau đó giá lại giảm bởi nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn không chịu cắt giảm sản lượng dù rằng nhu cầu suy yếu.
Người tiêu dùng Trung Quốc giờ đây đang thắt chặt chi tiêu. Theo thống kê của Bain and Company về mùa mua sắm dịp lễ độc thân tại Trung Quốc dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 11/11, số lượng người dân hạn chế chi tiêu đang ngày một tăng. Bain and Company đã khảo sát ý kiến của khoảng hơn 3.000 người tiêu dùng.
Được khởi xướng bởi công ty sở hữu sản thương mại điện tử Alibaba, dịp ngày độc thân đã phát triển từ sự kiện mua sắm chỉ một ngày thành một tuần giảm giá để kích cầu bán hàng khắp các sàn thương mại điện tử ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phấn khích và lạc quan của người tiêu dùng đã giảm đi, nhiều người tiêu dùng trong năm nay cho biết họ sẽ quay trở lại tiêu dùng các sản phẩm giá rẻ hoặc mang thương hiệu riêng, theo nghiên cứu của Bain. Thông thường các dòng sản phẩm mang thương hiệu riêng sẽ có giá rẻ hơn so với sản phẩm của các doanh nghiệp lớn.
Với dịp mua sắm năm nay, đến hơn 3/4 người được hỏi cho biết họ không có kế hoạch tăng cường chi tiêu. Nghiên cứu của viện Amundi cho thấy thực tế này có liên quan trực tiếp đến triển vọng của kinh tế và bất động sản Trung Quốc. Tỷ lệ người dân hạn chế chi tiêu như vậy cao hơn so với con số 76% của năm ngoái và cao hơn hẳn so với mức 49% của năm 2021.
Tăng trưởng kinh tế chững lại và những nỗi lo về thu nhập trong tương lai đã gây sức ép lên tiêu dùng người dân trong vài năm qua. Năm ngoái, lần đầu tiên cả Alibaba và sàn thương mại JD.com đã từ chối công bố doanh số bán hàng của tuần lễ có ngày độc thân (11/11).
Theo CNBC,FT