Tăng trưởng ở các nước đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo sẽ duy trì ở mức cao là 5% vào năm 2023 nhưng sẽ giảm trong nửa cuối năm và được dự báo còn 4,5% trong năm 2024, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong Báo cáo kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương thường kỳ 6 tháng công bố hôm nay (2/10).
Theo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 10/2023 của WB, tăng trưởng khu vực năm nay cao hơn mức tăng trưởng trung bình dự kiến cho tất cả các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi khác nhưng thấp hơn dự kiến trước đó. Tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2023 được dự đoán là 5,1% và ở các nước khác trong khu vực là 4,6%. Tăng trưởng giữa các quốc đảo Thái Bình Dương dự kiến sẽ là 5,2%.
Trong năm 2024, điều kiện bên ngoài được cải thiện sẽ giúp tăng trưởng ở phần còn lại của khu vực nhưng những khó khăn trong nước dai dẳng ở Trung Quốc – sự phục hồi yếu dần sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nợ tăng cao và lĩnh vực bất động sản yếu, các yếu tố cấu trúc như già hóa – sẽ đè nặng lên tăng trưởng ở Trung Quốc, khiến mức tăng trưởng giảm xuống còn 4,4%.
Tăng trưởng ở các quốc gia còn lại trong khu vực dự kiến sẽ tăng 4,7% vào năm 2024, do sự phục hồi của tăng trưởng toàn cầu và các điều kiện tài chính nới lỏng bù đắp cho tác động của khủng hoảng tài chính, tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và các biện pháp chính sách thương mại ở các nước khác.
Sự gia tăng căng thẳng địa chính trị và khả năng xảy ra thiên tai, bao gồm cả các hiện tượng thời tiết cực đoan, cũng là những rủi ro đối với triển vọng kinh tế của khu vực.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela V. Ferro cho biết : “Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vẫn là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất và năng động nhất trên thế giới, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Trong trung hạn, việc duy trì tăng trưởng cao sẽ đòi hỏi cải cách để duy trì khả năng cạnh tranh công nghiệp, đa dạng hóa các đối tác thương mại và giải phóng tiềm năng nâng cao năng suất và tạo việc làm của ngành dịch vụ.”
Phần Chuyên đề của báo cáo cho biết, khu vực dịch vụ có thể đóng vai trò ngày càng lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển ở một khu vực nổi tiếng với tốc độ tăng trưởng nhờ sản xuất.
Các lĩnh vực dịch vụ đã trở thành những ngành đóng góp chính vào tăng trưởng năng suất lao động tổng hợp trong thập kỷ qua. Xuất khẩu dịch vụ tăng nhanh hơn xuất khẩu hàng hóa. Và tốc độ tăng trưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ đã vượt gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Sự phổ biến của công nghệ kỹ thuật số và cải cách dịch vụ đang cải thiện hiệu quả kinh tế. Tại Philippines, việc các doanh nghiệp áp dụng phần mềm và phân tích dữ liệu đã giúp năng suất của các doanh nghiệp tăng trung bình 1,5% trong giai đoạn 2010-2019.
Ở Việt Nam, việc giảm bớt các rào cản chính sách như hạn chế đối với sự gia nhập và quyền sở hữu của người nước ngoài trong các dịch vụ vận tải, tài chính và kinh doanh đã dẫn đến giá trị gia tăng trên mỗi lao động trong các lĩnh vực này tăng 2,9% hàng năm trong giai đoạn 2008-2016. Việc loại bỏ các rào cản như vậy cũng giúp năng suất lao động tăng 3,1% ở các doanh nghiệp sản xuất sử dụng các dịch vụ này, mang lại lợi ích đáng kể nhất cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.
Sự kết hợp giữa cải cách dịch vụ và số hóa không chỉ tạo ra những cơ hội mới mà còn nâng cao năng lực của người dân để tận dụng những cơ hội này. Ví dụ, giáo dục từ xa và y tế từ xa với sự hỗ trợ bởi đội ngũ nhân viên địa phương được lựa chọn, đào tạo và động viên tốt đã mang lại kết quả học tập và sức khỏe tốt hơn trong khu vực, mặc dù vẫn còn sự bất bình đẳng đáng kể trong khả năng tiếp cận.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới - ông Aaditya Mattoo cho biết : “Cải cách dịch vụ và số hóa có thể tạo ra một chu kỳ tích cực nhằm gia tăng cơ hội kinh tế và nâng cao năng lực con người, thúc đẩy sự phát triển trong khu vực” .
Theo Báo cáo WB