Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/9 tại Mỹ, cổ phiếu VFS của VinFast giảm 12,9% so với phiên trước đó, còn 11,22 USD/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh ở mức hơn 3 triệu cổ phiếu. Đây là phiên giảm giá thứ 6 liên tiếp của VFS khiến vốn hóa VinFast chỉ còn ở mức 26,2 tỷ USD, giảm 86% so với đỉnh và trở về mốc định giá ban đầu khi sáp nhập với Black Spade.
Theo đó, trong các doanh nghiệp sản xuất xe hơi có vốn hóa lớn nhất thế giới, VinFast xuống vị trí thứ 17 và đứng thứ 3 trong các công ty xe điện có vốn hóa lớn nhất, sau Tesla (763,3 tỷ USD), Li Auto (35,4 tỷ USD).
VinFast ở vị trí thứ 17 trong các doanh nghiệp sản xuất xe hơi có vốn hóa lớn nhất thế giới
Mới đây, VinFast đã công bố kết quả kinh doanh kể từ khi niêm yết. Cụ thể, trong quý II/2023 VinFast ghi nhận tổng doanh thu quý II/2023 là 7.953 tỷ đồng (334 triệu USD), tăng 131% so với quý II/2022 và tăng 303% so với quý I/2023. Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ doanh thu bán ô tô điện.
Trừ chi phí, VinFast lỗ ròng 12.535 tỷ đồng (527 triệu USD), giảm 8% so với quý II/2022 và giảm 11% so với quý I/2023. Tổng tài sản của hãng xe ở mức 116.828 tỷ đồng (4,9 tỷ USD) tại thời điểm ngày 30/6.
Ngày 27/9, hãng xe VinFast gửi bản đăng ký sửa đổi việc chào bán cổ phiếu phổ thông từ một số cổ đông, bao gồm các nhà tài trợ của Black Spade, những người khác liên quan tới Black Spade và các cổ đông chủ chốt của VinFast gồm Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) và Asian Star Trading & Investment (Asian Star).
Theo bản đăng ký, nhóm này sẽ đưa ra hơn 75 triệu cổ phiếu phổ thông, số lượng cổ phiếu cao gấp 17 lần so với 4,5 triệu cổ phiếu VFS niêm yết (trong tổng cộng hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS đang lưu hành).
2 công ty đầu tư riêng của ông Phạm Nhật Vượng là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) và Asian Star Trading & Investment (Asian Star) sẽ bán ra 46,29 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 2% cổ phiếu đang lưu hành.