Tại Nghị quyết 02 về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh vừa công bố, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường, gồm thành lập mới và quay lại hoạt động đạt 240.000, tăng 10% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp rút lui dự tính tăng dưới 10%, tương đương 190.000 đơn vị.
Mục tiêu này cũng tương đương mức dự báo của Tổng cục Thống kê mới đây. Theo đó, cơ quan này ước tính sẽ có thêm 230.500 doanh nghiệp gia nhập nền kinh tế năm 2024. Trong đó, 162.500 doanh nghiệp ra đời và 68.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 16%.
Năm 2023, số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại thị trường gần 220.000, tăng 4,5% so với một năm trước đó. Trong khi đó, 172.500 đơn vị giải thể, tăng 20,5% so với 2022.
Nghị quyết 02 cũng xác định đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi với các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Các cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ dự kiến nâng cao chất lượng xây dựng chính sách. Kế hoạch thanh, kiểm tra được rà soát, đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo, cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ bất cập pháp lý, cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hoàn thiện chính sách và nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Với số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục năm 2023, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,5% so với năm 2022, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho biết, kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới là kết quả từ nỗ lực rất lớn của nhiều bên.
"Trong quý đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký giảm 2% so cùng kỳ, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng rất cao, rất đáng lo ngại. Các quý tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đặc biệt là các chính sách tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, nên lượng doanh nghiệp mới và số doanh nghiệp quay lại thị trường đã tăng trở lại, tạo nên con số kỷ lục của cả năm", ông Thành nói.
"Chính phủ đã nỗ lực xử lý hàng loạt vấn đề về thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường bất động sản. Kết quả là tỷ giá hiện đã khá ổn định, dự trữ ngoại hối tương đối tốt, lãi suất huy động và lãi vay đã giảm… Có thể nói giai đoạn khó khăn của nền kinh tế đã qua", vị chuyên gia phân tích thêm.