Dự báo KQKD quý III: Nhóm thép và dầu khí phục hồi, lợi nhuận ngành ngân hàng phân hóa

SSI Research vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý III/2023 của 33 công ty trong phạm vi nghiên cứu, trong đó 19 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương và 14 công ty có dự kiến có lợi nhuận sụt giảm.

Theo ước tính của SSI Research, trong quý III/2023, dầu khí sẽ là một trong những nhóm có sự phục hồi tích cực nhất - Ảnh minh họa.
Theo ước tính của SSI Research, trong quý III/2023, dầu khí sẽ là một trong những nhóm có sự phục hồi tích cực nhất - Ảnh minh họa.

Theo SSI Research, ở nhóm 19 doanh nghiệp có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương có 6 ngân hàng (ACB, CTG, HDB, MBB, STB, VCB) cùng một số các doanh nghiệp đại diện cho các ngành khác như BMP, BSR, CTR, DBD, FPT, GMD, HPG, MBB, PLX, PVD, QNS, VGC, VNM, VTP.

Ngược lại, SSI Research dự báo BID, DGC, DGW, DRC, HAH, MSB, NT2, POW, PVT, STK, TPB, VIB, VPB sẽ tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý này.

Lợi nhuận nhóm ngân hàng phân hóa

Trong nhóm ngân hàng, SSI Research dự báo lợi nhuận của nhóm big 4 sẽ có sự phân hóa. Trong đó, Vietcombank (VCB) vẫn dẫn đầu lợi nhuận ngành ngân hàng quý III/2023 với lợi nhuận trước thuế (LNTT) dự kiến đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 4% so với quý II/2023.

Với VietinBank (CTG), trong quý III/2022, ngân hàng ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao kỷ lục là 8.3 00 tỷ đồng, khiến LNTT chỉ đạt 4.100 tỷ đồng. Theo đó, mặc dù tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 9 dự kiến sẽ ở mức khoảng 11-12% so với cùng kỳ (tăng 9-10% so với đầu năm) và NIM giảm so với cùng kỳ, SSI dự báo tăng trưởng LNTT trong quý III/2023 sẽ tăng 20-22% so với cùng kỳ do chi phí dự phòng giảm từ mức cao của cùng kỳ 2022.

Ngược lại, BIDV (BID) lại không duy trì được đà tăng trưởng trong quý III này. Mặc dù tăng trưởng tín dụng và huy động vẫn duy trì tốt ở mức 8,4% và 7,2% so với đầu năm tính tại thời điểm cuối tháng 9, song LNNTT của BID dự kiến giảm khoảng 10% - 12% so với cùng kỳ do gánh nặng trích lập dự phòng. SSI Research cho rằng BID sẽ tích cực xử lý nợ xấu để duy trì nợ xấu ở mức hợp lý.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân, SSI Research dự đoán tăng trưởng LNTT quý III chủ yếu trong khoảng 7 - 20%. Trong đó, LNTT của MB Bank (MBB) khoảng 7.300 - 7.500 tỷ đồng (tăng 16-19% so với cùng kỳ năm ngoái); ACB sẽ đạt khoảng 4,8 - 5 nghìn tỷ đồng (tăng 7 - 12%); HDBank (HDB) đạt khoảng 2.900 - 3.100 tỷ đồng (tăng 7 - 14%).

Riêng, LNTT của Sacombank (STB) dự báo sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng vượt trội với mức tăng 57 - 63% so với cùng kỳ, đạt mức 2.400 - 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trong quý III/2023.

Với một số ngân hàng TMCP khác, SSI Research dự báo LNTT quý III có thể giảm hàng chục %. Trong đó, LNTT của Techcombank (TCB) có thể đạt 5.700 - 5.900 tỷ đồng, tương ứng giảm 15% đến 12%; TPBank (TPB) có thể đạt 1.450 - 1.600 tỷ đồng, giảm từ 32% đến 25% so với cùng kỳ; VPBank (VPB) dự kiến đạt 3.300 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ; MSB khả năng đạt 1.300 - 1.400 tỷ đồng, giảm từ 13% đến 6%; VIB có thể đạt 2.000 tỷ đồng, giảm 3%.

Nhóm dầu khí, thép phục hồi

Theo ước tính của SSI Research, trong quý III/2023, dầu khí sẽ là một trong những nhóm có sự phục hồi tích cực nhất. Trong đó, lợi nhuận ròng của Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) ước đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với quý trước và gấp 6 lần cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 8%, giá dầu tăng cũng như chênh lệch giá crack trong quý gần đây.

dau-khi-6687.jpg
Lợi nhuận nhóm dầu khí phục hồi so với nền thấp cùng kỳ - Ảnh minh họa.
Quảng cáo

Tương tự, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) có thể đạt 1.700 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý III, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ và tăng 60% so với quý trước nhờ khả năng ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ việc thoái vốn khỏi PGB, cũng như kết quả kinh doanh cốt lõi tăng lên nhờ sản lượng tiêu thụ ổn định và giá xăng dầu tăng trong tháng 7 và tháng 8/2023.

Một doanh nghiệp khác trong nhóm dầu khí là Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) khả năng duy trì lãi sau thuế đi ngang so với quý II/2022, ở mức khoảng 155 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 51 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Với Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT), SSI Research cho rằng giá cho thuê tàu định hạn cao hơn và số lượng tàu nhiều hơn giúp lợi nhuận cốt lõi tăng trưởng mạnh, nhưng lợi nhuận công bố dự kiến sẽ giảm do khoản lợi nhuận bất thường từ việc bán tàu trong quý III/2022. Do đó, lãi trước thuế quý III của PVT ước đạt 400 tỷ đồng.

Ở nhóm thép, SSI Research ước tính đại diện của ngành là Hòa Phát (HPG) có thể đạt 2.100 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong quý III, tăng khoảng 60% so với quý trước và phục hồi mạnh so với mức lỗ 1.800 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 11% so với quý trước và giá than giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận trong quý IV của công ty có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do nguyên liệu đầu vào tăng.

Ở nhóm ngành công nghệ thông tin, SSI Research dự báo lãi trước thuế quý III của FPT sẽ đạt khoảng 2.300 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ nhờ mức tăng trưởng tốt từ dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài, viễn thông và giáo dục, vượt trội so với mức giảm hai con số từ dịch vụ công nghệ thông tin trong nước.

Hay ở nhóm thực phẩm, ước tính lãi sau thuế của Vinamilk (VNM) sẽ cải thiện khoảng 4% - 7% nhờ giá bột sữa nguyên liệu điều chỉnh, giúp biên lợi nhuận gộp trong quý tăng cao hơn. Tương tự, lợi nhuận sau thuế của Đường Quảng Ngãi (QNS) khả năng đạt khoảng 530 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ nhờ mảng mía đường tăng trưởng mạnh.

Đại diện nhóm bất động sản khu công nghiệp, Tổng Công ty Viglacera (VGC) được kỳ vọng lãi trước thuế 565 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng khu công nghiệp.

Với nhóm nhựa, Nhựa Bình Minh (mã BMP) lợi nhuận ròng quý III có thể đạt 200-210 tỷ đồng, tăng khoảng 15% - 20% so với cùng kỳ nhờ giá PVC đầu vào giảm giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Còn với nhóm Viettel, LNTT của Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR) khả năng đạt 180 - 185 tỷ đồng, tăng 12% - 15% so với cùng kỳ. Trong khi LNTT của Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP) có thể tăng trưởng mạnh hơn, với mức tăng 70% so với cùng kỳ, đạt 120 tỷ đồng.

Doanh nghiệp hóa chất, logistics qua thời hoàng kim, nhiệt điện lỗ nặng

Quý III/2023 có thể là quý kinh doanh đáng buồn với các doanh nghiệp logistics, khi lợi nhuận nhiều khả năng tăng trưởng âm. Theo đó, giá cho thuê tàu định hạn và giá cước spot trong nước thấp hơn cùng kỳ với chi phí lãi vay cao hơn là nguyên nhân khiến lợi nhuận ròng quý III của Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) có thể giảm 50% so với cùng kỳ, dự báo đạt 100 tỷ đồng.

lndien-9704.jpg
Lợi nhuận nhóm logistics, hóa chất đã qua thời hoàng kim - Ảnh minh họa.

Tương tự, nhóm hóa chất cũng đã qua thời hoàng kim. SSI Research dự báo lợi nhuận ròng Hóa chất Đức Giang (DGC) sẽ tiếp tục giảm 34% trong quý III/2023, ước đạt 1.000 tỷ đồng.

Nhóm bán lẻ nhiều khả năng cũng chưa thể phục hồi khi đại diện "sáng giá" nhất là Công ty CP Thế giới số (DGW) được dự báo cũng chỉ đạt lợi nhuận ròng 100 tỷ đồng trong quý III, giảm 26% so với cùng kỳ do nhu cầu về sản phẩm công nghệ thông tin yếu. Tuy nhiên, mức lợi nhuận quý III có cải thiện so với quý trước nhờ doanh thu máy tính xách tay cao hơn trong mùa tựu trường.

Tuy nhiên, nhóm có kết quả kinh doanh ảm đạm nhất có thể là nhóm doanh nghiệp sản xuất điện. Trong đó, theo SSI Research Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) có thể lỗ sau thuế từ 110 - 130 tỷ đồng, là bước thụt lùi so với khoản lãi 199 tỷ đồng trong quý III/2022. Công ty mẹ của NT2 là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), cũng được dự báo có thể lỗ trước thuế 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 224 tỷ đồng.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh Copy

Cùng chuyên mục Doanh nghiệp