Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã VGC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.020 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm gần 21% so với cùng kỳ, từ 714 tỷ đồng về 565 tỷ đồng, kéo biên lợi nhuận gộp từ mức 21,8% của cùng kỳ xuống 18,7% trong quý này.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty cũng giảm 75% về còn gần 6 tỷ đồng. Đồng thời, công ty còn ghi nhận lỗ 16,2 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết, thay vì có lãi 15 tỷ đồng như cùng kỳ. Trong khi đó, gánh nặng chi phí còn gia tăng, chi phí tài chính đi ngang ở mức 89 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 14% về 210 tỷ nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh hơn 44% lên 267 tỷ.
Kết quả, Viglacera báo lỗ sau thuế 48,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 222 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ đầu tiên của doanh nghiệp này kể từ khi đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch (cổ phiếu VGC bắt đầu giao dịch lần đầu trên UPCoM vào tháng 10/2015, chuyển sang HNX từ tháng 12/20216 và chính thức niêm yết trên HoSE từ tháng 5/2019).
Theo giải trình của Viglacera, lợi nhuận quý IV/2023 giảm 121,9% so với cùng kỳ là do nhóm kính gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm dẫn đến doanh thu giảm. Bên cạnh đó, công ty thực hiện trích 100 tỷ đồng Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ theo chủ trương đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Lũy kế cả năm 2023, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.194 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 1.602 tỷ đồng và 1.162 tỷ đồng, giảm 30% và 39% so với năm trước. Với việc đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 thận trọng ở mức 1.210 tỷ đồng, Viglacera đã vượt 32% kế hoạch đề ra.
Trong cơ cấu doanh thu của Viglacera năm 2023, mảng cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng vẫn đóng góp lớn nhất với gần 4.514 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, doanh thu các mảng khác hầu hết đều sụt giảm, trong đó, doanh thu bán gạch ốp lát lại giảm 3,3% về 3.459 tỷ đồng, doanh thu bán các sản phẩm kính, gương giảm tới 31% còn 2.005 tỷ đồng và doanh thu bán gạch, ngói cũng giảm 25% còn 1.270 tỷ đồng. Đặc biệt, giảm mạnh nhất là doanh thu bán hàng hóa bất động sản từ mức 1.065 tỷ đồng về 100 tỷ đồng, giảm 90%.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Viglacera ở mức 24.099 tỷ đồng, tăng 5% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi tăng 15% lên 2.468 tỷ đồng; chi phí rót vào các dự án dang dở và hàng tồn kho tăng 9% lên 10.969 tỷ đồng.
Cụ thể, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại ngày 31/12/2023 là 6.229 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Các dự án có chi phí lớn nhất là Khu công nghiệp Thuận Thành giai đoạn 1 (1.665 tỷ đồng), Khu công nghiệp Yên Mỹ (967 tỷ đồng), Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải (760 tỷ đồng), Khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1 (847 tỷ đồng)…
Khoản hàng tồn kho cũng tăng 13% so với đầu kỳ lên 4.964 tỷ đồng với hơn một nửa là thành phẩm kính, sứ, sen vòi,... (2.603 tỷ đồng), kế đến là tồn kho bất động sản xây dựng dở dang 1.537 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tới cuối năm 2023, nợ phải trả của Viglacera là 14.575 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu kỳ. Trong đó, dư nợ vay tài chính là 5.135 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm 2023, bao gồm hơn 2.897 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn (tăng 48%) và 2.237 tỷ đồng nợ vay dài hạn (tăng 35%).
Sang năm 2024, Viglacera đặt mục tiêu tổng doanh thu 13.468 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.216 tỷ đồng, lần lượt giảm giảm 2% và 24% so với con số thực hiện năm 2023. Theo Viglacera việc đặt mục tiêu lợi nhuận thận trọng hơn trong năm 2024 được đặt trong bối cảnh dự tính kinh tế thế giới sẽ phục hồi chậm và có thể vẫn khó khăn trong nửa đầu năm.
Trong năm nay, Viglacera sẽ tập trung khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong năm 2023, đồng thời đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp điều hành trọng tâm như tập trung triển khai công tác thoái vốn Nhà nước tại tổng công ty theo Quyết định của Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Viglacera là Công ty CP Tập đoàn Gelex nắm hơn 50% vốn. Bộ Xây dựng còn sở hữu khoảng 38% và đã kế hoạch thoái hết phần vốn này.
Viglacera cũng sẽ tái cơ cấu lại các đơn vị sản xuất theo hướng tăng năng suất lao động, giảm chi phí; tập trung công tác phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu; kiểm soát tồn kho và công nợ; tập trung công tác phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư nước ngoài...
Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, Viglacera sẽ tập trung phát triển kinh doanh các dự án bất động sản khu công nghiệp gắn với xu thế chuyển đổi xanh, gia tăng dịch vụ tiện ích, nâng cao khả năng cạnh tranh; là nguồn lực chính đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động thoái vốn của tổng công ty do các nhà đầu tư tài chính rất quan tâm đến mảng hoạt động này.
Bên cạnh đó, công ty sẽ tập trung hoàn thành đầu tư xong và đưa vào kinh doanh khai thác 3.800 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hưởng ứng chương trình tạo lập mới 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ và Bộ Xây dựng phát động, vừa tạo lợi thế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp. Trong năm 2024, công ty dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư 2.180 căn nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.