Thứ trưởng Jose Fernandez phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ, trong cuộc gặp gỡ mới đây (26/1) với báo chí đã có chia sẻ định hướng hợp tác với Việt Nam trong hai lĩnh vực "nóng" nhất hiện nay là chip bán dẫn và năng lượng sạch.
"Chip bán dẫn là một trong những tâm điểm của chuyến thăm Việt Nam lần này của tôi. Và nó chứa đựng rất nhiều hứa hẹn", Thứ trưởng Fernandez nhấn mạnh.
Khi 2 nước nâng cấp quan hệ vào tháng 9/2023, hợp tác về chip bán dẫn là nội dung được đưa vào Tuyên bố chung của Việt Nam và Mỹ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Tăng trưởng kinh tế, Năng lượng và Môi trường – khẳng định, Mỹ không thể "yêu cầu" các công ty của họ đầu tư vào Việt Nam mà cũng cần đến những điều chỉnh từ phía Việt Nam.
Thứ trưởng Jose Fernandez tái khẳng định về con số 15 công ty bán dẫn Mỹ sẵn sàng đầu tư 8 tỷ USD vào Việt Nam. Dù vậy ông cũng nói đến một số cản trở mà phía Việt Nam cần phải sớm giải quyết.
Năng lượng sạch
Một nút thắt cho các công ty bán dẫn muốn đầu tư vào Việt Nam là về năng lượng sạch."Hiện tại có 15 công ty bán dẫn nói với chúng tôi rằng họ đã sẵn sàng đầu tư 8 tỷ USD vào Việt Nam", ông Fernandez chia sẻ.
Tuy nhiên, cam kết của họ đều đi kèm với những ràng buộc với phía cổ đông và khách hàng. Tất cả đều đã cam kết với cổ đông và khách hàng rằng họ sẽ chỉ sử dụng năng lượng tái tạo. Vì thế, họ đang chờ đợi Việt Nam mở rộng cơ chế năng lượng tái tạo, Thứ trưởng Fernandez cho hay.
Nhiều công ty bán dẫn lớn của Mỹ đã đưa ra các cam kết về môi trường, như Intel tuyên bố sẽ dùng 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030. AMD cũng cam kết rằng 80% lượng điện mà các nhà cung cấp sản xuất trực tiếp của tập đoàn này sử dụng sẽ tới từ năng lượng tái tạo vào năm 2025.Không chỉ các tập đoàn Mỹ và ngành bán dẫn, sản xuất "xanh" đang trở thành mục tiêu mà doanh nghiệp đa quốc gia ở nhiều nước hướng tới.
Thứ trưởng Fernandez khẳng định rằng việc Việt Nam nghiêm túc thực hiện lộ trình hướng đến năng lượng xanh sẽ có lợi không chỉ cho phía Mỹ mà có lợi cho cả Việt Nam. Việt Nam vừa phát triển được ngành bán dẫn nhưng cùng lúc cũng tận dụng tốt lợi thế năng lượng sạch.
Nhân lực ngành bán dẫn
Đạo luật chip và khoa học (Chips and Science Act) được thông qua vào năm ngoái đã thể hiện cam kết của Mỹ đầu tư hơn 50 tỷ USD hỗ trợ đưa các nhà máy sản xuất chip vào thị trường này, bao gồm Quỹ An ninh Công nghệ Quốc tế và Đổi mới (ITSI Fund).
Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ đầu tư 500 triệu USD để ổn định và mở rộng sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đồng thời phát triển và triển khai công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) an toàn và đáng tin cậy.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho hay, Việt Nam là một trong bảy quốc gia trên thế giới nhận nguồn tiền hỗ trợ trực tiếp từ quỹ này.Nguồn tiền từ phía Mỹ nói đến ở trên nhắm tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn cho Việt Nam, ngoài ra là cải thiện môi trường làm việc cho người lao động trong ngành bán dẫn.
Theo phân tích của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu gặp phải trong nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng các sản phẩm bán dẫn chính là thiếu nguồn nhân lực có đủ kỹ năng tay nghề phù hợp.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ mục tiêu của Việt Nam với việc đào tạo ước tính khoảng 50.000 – 100.000 kỹ sư ngành bán dẫn trong những năm tới. Ông chia sẻ đã có đại diện doanh nghiệp muốn tăng cường đầu tư vào ngành bán dẫn tại Việt Nam nhưng họ không tìm được đủ nhân lực có chất lượng đạt tiêu chuẩn.
Ông Fernandez cho biết, vấn đề thiếu nhân lực ngành bán dẫn không chỉ của riêng Việt Nam mà bản thân nước Mỹ cũng gặp phải vấn đề này.