Dự báo Việt Nam tăng trưởng hơn 5% trong năm nay, dù là ngưỡng thấp trong xu thế tăng trưởng chung của Việt Nam nhưng đây vẫn là những con số thể hiện mức độ chống chịu tuyệt vời.
Đó là nhận định được ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam đưa ra trong buổi hội thảo với chủ đề “Việt Nam: Con đường phía trước”, do HSBC Việt Nam tổ chức ngày 10/10.
Những biến số khó lường trong kinh tế toàn cầu
Bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức, Giám đốc khối nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC - TS. Frederic Neumann khẳng định. Phân tích về triển vọng kinh tế Trung Quốc, ông Neumann nhắc lại, vào dịp đầu năm thế giới từng đã lạc quan về kinh tế Trung Quốc, nhưng các con số đều không được như kỳ vọng.
Ngành bất động sản Trung Quốc hiện vẫn đang chìm trong khó khăn, thực tế này kéo theo sự sụt giảm của giá hàng hóa toàn cầu. Ông Neumann lý giải, ở thời điểm đỉnh cao tăng trưởng của ngành bất động sản, Trung Quốc sử dụng đến 25% tổng sản lượng thép của toàn cầu. Vì vậy, không ngạc nhiên khi mà sự suy yếu của bất động sản Trung Quốc tác động đến nhiều nước trên thế giới.
0,7% GDP của Việt Nam đến từ việc bán các thiết bị sử dụng trong nhà ở. Ngành bất động sản Trung Quốc và toàn cầu khó khăn tất yếu cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành này của Việt Nam.
"Bất động sản Trung Quốc khó bật lại trong năm tới", Giám đốc khối nghiên cứu châu Á của HSBC nhận định.
Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc không chỉ toàn những mảng xám, ví như đầu tư và sản xuất vẫn tăng trưởng 7%, nhiều doanh nghiệp đang chạy đua cung ứng vào xe điện. Đầu tư vào công nghệ cao tại Trung Quốc tăng trưởng rất mạnh. Cùng lúc đó, đầu tư vào hạ tầng dù chững lại nhưng vẫn đạt ngưỡng 5%. Tăng trưởng của Trung Quốc chững lại chủ yếu do sự trầm lắng của ngành bất động sản.
Ông Neumann phân tích về một nghịch lý đang diễn ra trên thế giới hiện nay. Trước đây, mỗi khi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chững lại thì giá hàng hóa toàn cầu giảm. Năm 2015, khi sự suy giảm của bất động sản và kinh tế diễn ra, giá hàng hóa đồng thời giảm mạnh.
Nay thì khác, dù kinh tế Trung Quốc chững lại, giá hàng hóa không giảm. Ông Neumann lý giải nguyên nhân chính do biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng. Đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch giảm, nhưng nhu cầu lớn, vì vậy giá vẫn duy trì ở ngưỡng cao. Quá trình dịch chuyển năng lượng xanh cần đến rất nhiều loại kim loại khác nhau ví như đồng, lithium.
Đối với thị trường gạo, ông Neumann phân tích, Ấn Độ xuất khẩu gạo nhiều bằng cả Việt Nam và Thái Lan cộng lại. Tại nội địa Ấn Độ, sản lượng gạo của Ấn Độ giảm. Ấn Độ hạ mạnh xuất khẩu gạo, nguồn cung từ Việt Nam và Thái Lan không đủ bù đắp chính vì vậy giá gạo duy trì ở ngưỡng cao.
Cũng theo ông Neumann, Fed đã điều chỉnh lãi suất mạnh tay để kiềm chế lạm phát. Theo các số liệu thống kê đến hiện tại, Fed không tăng lãi suất mạnh như lạm phát nên không thể kỳ vọng Fed sẽ giảm nhanh lãi suất. Nếu có điều chỉnh lãi suất sẽ phải là nửa sau của năm 2024.
Chi phí vốn sử dụng đồng USD hiện cao hơn, chi phí vốn toàn cầu vì vậy cũng sẽ có những tác động. Chỉ số DXY đang tăng trở lại, cuộc chiến Nga – Ukraine khiến cho đồng USD tăng rồi lại giảm xuống và hiện tại lại tăng lên do căng thẳng ở Trung Đông leo thang.
Nhận xét về châu Âu, ông Neumann chỉ ra tăng trưởng chi tiêu bán lẻ âm trong những năm qua chủ yếu do giá khí đốt, chi phí năng lượng tăng, khu vực này vẫn đương đầu với rủi ro suy thoái kinh tế, ngoài ra là những rủi ro liên quan đến địa chính trị. Châu Âu nếu không suy thoái kinh tế thì cũng sẽ tăng trưởng kinh tế cực kỳ thấp. Lạm phát lõi tại châu Âu tăng cao, châu Âu cũng không thể sớm hạ lãi suất,
Việt Nam trong bối cảnh thế giới bất định vẫn có nhiều điểm sáng
Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhấn mạnh các yếu tố bất lợi mà nhiều nước/khu vực là bạn hàng lớn của Việt Nam đang gặp phải có thể coi như “cơn gió ngược” với kinh tế Việt Nam.
Theo phân tích của ông Tim Evans, những yếu tố khó lường của toàn cầu đã gây ra nhiều ảnh hưởng lên sản xuất của Việt Nam. Diễn biến trong 8 tháng năm 2023, chỉ có tháng 2 và tháng 8 chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tương ứng đạt 51,2 điểm và 50,5 điểm, các tháng còn lại, chỉ số PMI đều dưới ngưỡng 50 điểm. Đặc biệt, chỉ số PMI tháng 5/2023 đã giảm xuống 45,3 điểm, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 11/2022, phản ánh sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và việc làm giảm.
Chỉ số PMI các ngành sản xuất Việt Nam liên tục dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy bức tranh ảm đạm trong sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất”, ông Tim Evans nói.
Dù vậy, ông Evans chỉ ra vẫn có nhiều điểm sáng khi mà Việt Nam đã ký kết đến 16 hiệp định thương mại tự do - FTA (trong đó có 15 hiệp định là ký với thị trường G20) nên đầu tư FDI vẫn có nhiều tín hiệu tích cực.
Việt Nam cũng đang nỗ lực để dịch chuyển dần khỏi mô hình sản xuất dựa trên hiệu quả về mặt chi phí, thị trường tiêu dùng cũng đang phát triển rất mạnh với nền kinh tế số.
Còn theo phân tích của giám đốc khối nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC - TS. Frederic Neumann, Việt Nam đang có nhiều lợi thế bởi sự dịch chuyển lớn FDI tiếp tục đổ vào châu Á.
Việt Nam có đặc điểm khác biệt so với các quốc gia khác như nhân khẩu học, văn hóa, kinh tế… cụ thể, tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động cao và còn nhiều thời gian để nâng cao kỹ năng lao động cho sự dịch chuyển về nhân khẩu học. Đặc biệt, Việt Nam đang dẫn đầu khi có lượng gia đình có tài sản cao là tương đối lớn trên 250.000 USD.
Một số điểm sáng của kinh tế Việt Nam, theo ông Neumann phân tích bao gồm xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đang tăng trưởng trở lại với thặng dư cán cân thương mại. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam, dẫn đầu khu vực ASEAN về thu hút khách du lịch, là ngành tăng trưởng chủ chốt khi thương mại hàng hóa chậm lại.
Ông Neumann dự báo kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện, GDP có thể tăng trưởng 6,3% và thậm chí có thể cao hơn, tuy nhiên dù cao hơn cũng không thể đến 7% bởi bối cảnh kinh tế toàn cầu còn quá nhiều thách thức. HSBC cho rằng vẫn có dư địa để hạ lãi suất trong những tháng tới, HSBC dự báo lạm phát năm 2023 sẽ trung bình ở mức 3,4%, không quá xa so với ngưỡng 4% theo mục tiêu của SBV. SBV có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào kích thích tăng trưởng chứ không quá chú trọng kiềm chế lạm phát. Với năm 2024, HSBC dự báo lạm phát ở mức khoảng 3,3%.
Ông Brook Taylor, CEO Quỹ VinaCapital Asset Management chia sẻ quan điểm Việt Nam là thị trường phát triển hứa hẹn. Ông Taylor nhận định, Chính phủ đã có nhiều chính sách phục hồi thị trường bất động sản và thị trường này sẽ phục hồi.
"Khi đầu tư vào các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ nghiên cứu liệu doanh nghiệp có tiềm năng? Có quy mô phát triển không? Việc ứng dụng công nghệ như thế nào? Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tốt, có nhiều cơ hội tăng trưởng. Có rất nhiều yếu tố hỗ trợ để nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam như trở thành đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã lên một tầm vóc mới”, ông Brook Taylor phân tích.