Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa chỉ thị tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ hàng không giai đoạn Lễ Quốc khánh 2/9.
Bổ sung nhân viên, trang thiết bị phục vụ
Cục Hàng không yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng HKQT Vân Đồn bổ sung nhân viên an ninh hàng không (ANHK), phương tiện, trang thiết bị, thực hiện nhanh nhất việc soi chiếu an ninh, trả hành lý, tránh ùn tắc và gây bức xúc cho hành khách, đặc biệt tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Các cảng hàng không cần tổ chức lực lượng kiểm soát ANHK thực hiện chặt chẽ quy định, quy trình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài ra, phải bố trí vị trí đỗ thuận lợi nhất cho các tuyến xe buýt đang hoạt động tại các cảng để hành khách dễ nhận biết và sử dụng dịch vụ xe buýt, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất.
"Trên cơ sở nguồn lực của các cảng hàng không, sân bay và kế hoạch khai thác của các hãng hàng không, các sân bay tiến hành xây dựng phương án, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường khả năng phục vụ hành khách trong giai đoạn Lễ Quốc khánh 2/9”, lãnh đạo Cục Hàng không yêu cầu.
Các đơn vị, nhân viên hàng không tuân thủ nghiêm công tác bảo trì, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị, các quy định về dừng đỗ phương tiện, đi đúng làn đường công vụ và đảm bảo tuân thủ đúng tốc độ của phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.
ACV cũng được đề nghị phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền tổ chức phân luồng giao thông, giảm ùn tắc tại các cảng hàng không, sân bay, nhất là tại sân bay Tân Sơn Nhất; yêu cầu các hãng taxi được nhượng quyền khai thác tại cảng hàng không, sân bay tăng cường năng lực phục vụ 24/24h với các cảng hàng không có hoạt động bay 24/24h.
Đặc biệt, các hãng taxi và các đơn vị cung cấp dịch vụ phi hàng không phải cam kết không tăng giá dịch vụ tại bất kỳ khung giờ nào trong ngày.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) được yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ thị về đảm bảo an toàn hoạt động bay, các giải pháp giảm ùn tắc tàu bay đi, đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất, đặc biệt trong các ngày cao điểm lễ. Kiểm tra và rà soát tình trạng các công trình kết cấu hạ tầng, hệ thống, thiết bị kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay, trang thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát đảm bảo tiêu chuẩn an toàn khai thác. Tăng cường giám sát, trực lãnh đạo và xác định kịp thời các nguy cơ rủi ro an toàn để có biện pháp phòng ngừa và xử lý.
Hạn chế tối đa chậm, hủy chuyến
Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về khai thác, hạn chế tối đa việc chậm, hủy chuyến vì lý do của hãng hàng không.
Các hãng phải duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ (OTP) và thực hiện nghiêm việc lập kế hoạch bay hàng ngày đúng với phép bay được cấp và slot được xác nhận.
Ngoài ra, phải triển khai đầy đủ và giám sát việc tuân thủ chỉ thị đến người lái tàu bay và các cá nhân liên quan, yêu cầu người lái tàu bay, tiếp viên hàng không tuân thủ nghiêm các quy trình khai thác tiêu chuẩn đã được Cục Hàng không phê duyệt.
Trong đó, chú trọng việc chuẩn bị trước chuyến bay đảm bảo đầy đủ các thông tin cần thiết, nghiên cứu kỹ sơ đồ sân bay hạ cánh, điều kiện thời tiết tại sân bay hạ cánh và phối hợp kiểm tra chéo các thông tin quan trọng trong quá trình bay, tuân thủ quy định về khai thác tàu bay trong điều kiện thời tiết bất lợi tại các cảng hàng không, sân bay.
Các hãng hàng không cũng cần rà soát, bố trí hợp lý nguồn lực tại các cảng hàng không nhằm khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay, giảm tối đa thời gian dừng tàu bay. Cục Hàng không lưu ý không được để xảy ra trường hợp vi phạm quá giờ làm việc của thành viên tổ bay, nhân viên bảo dưỡng.
Nhân viên bảo dưỡng tàu bay phải nghiêm túc tuân thủ quy trình quy định trong các tài liệu bảo dưỡng, sử dụng danh mục kiểm tra khi thực hiện công việc để tránh xảy ra sự cố do sai lỗi bảo dưỡng tàu bay.