Vào ngày 16/11, Quốc hội thông báo sẽ hoãn việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) so với dự kiến (ngày 29/11) do cần thêm thời gian để xem xét kỹ lưỡng dự thảo. Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tháng 5-6/2024. Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ, nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án luật trên, do đó chất lượng là mối quan tâm hàng đầu.
Theo đánh giá của Vietcap, đối với ngành bất động sản (BĐS), việc hoãn thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có tác động đến các chủ đầu tư có những dự án tồn đọng vì sẽ tiếp tục kéo dài thêm thời gian giải quyết và triển khai các dự án mới. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng cũng sẽ phụ thuộc vào tình trạng pháp lý cụ thể của từng dự án, do hầu hết các thủ tục BĐS đều phức tạp và liên quan đến nhiều bên.
Đối với các công ty BĐS được Vietcap theo dõi, việc trì hoãn phê duyệt Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ không tác động đáng kể đến dự báo doanh số bán hàng năm 2024 của các công ty hàng đầu như VHM, KDH và NLG - vì đều còn sẵn lượng sản phẩm tại các dự án đang triển khai để hỗ trợ triển vọng doanh số bán hàng.
Đối với VHM, dự báo doanh số bán hàng năm 2024 đạt 75 nghìn tỷ đồng (+2% so với dự báo năm 2023), dự kiến đến từ các dự án đang triển khai và từ các dự án mới (bao gồm dự án Vũ Yên và Wonder Park).
Đối với KDH, dự báo doanh số bán hàng năm 2024 đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (+14% so với dự báo năm 2023), chủ yếu được hỗ trợ bởi dự án The Privia (dự kiến sẽ mở bán trong cuối tháng 11/2023).Đối với NLG, Vietcap dự báo doanh số bán hàng năm 2024 đạt 5,6 nghìn tỷ đồng (gấp đôi so với dự báo năm 2023), được hỗ trợ bởi việc tiếp tục bán các căn còn lại và mở bán giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện tại.
Nhà phân tích của Vietcap cũng ghi nhận từ một số chủ đầu tư có bề dày thành tích phát triển dự án. Theo đó, phần lớn chưa có đánh giá thêm các tác động cho đến khi thông qua luật mới hoặc cho rằng luật mới sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch phát triển của chủ đầu tư. Có chủ đầu tư cũng đề cập việc trì hoãn để có một phiên bản luật phù hợp hơn với thực tế có thể sẽ có lợi hơn so với việc phê duyệt phiên bản hiện tại với nhiều hạn chế.
Đối với ngành Ngân hàng, việc lùi thời gian thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) có thể tác động đến các khoản tín dụng liên quan, cụ thể là nhu cầu vay thế chấp mua nhà có thể phục hồi chậm hơn và khả năng thu hồi nợ từ nợ xấu đã xử lý có thể chậm hơn.
Tuy nhiên, thông qua các cuộc họp với nhà đầu tư của một số ngân hàng mà Vietcap đã tham dự trong hai tuần qua, các ngân hàng đang mong đợi sự phục hồi rõ ràng hơn từ nửa cuối năm 2024 đối với hoạt động cho vay thế chấp mua nhà và có ngụ ý rằng sự chậm trễ trong việc phê duyệt Luật Đất đai đã nằm trong kịch bản trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của họ.
Hiện nay, Vietcap giữ quan điểm rất thận trọng trong việc dự báo tốc độ phục hồi trong nhu cầu cho các khoản thế chấp mua nhà và tỷ lệ thu hồi nợ xấu đã xử lý nên không nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đáng kể nào đối với trong các dự báo về các ngân hàng được theo dõi. Công ty kỳ vọng sự phục hồi của nền kinh tế, đến từ sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh và niềm tin tiêu dùng vào năm 2024, qua đó sẽ hỗ trợ phục hồi tăng trưởng tín dụng, NIM, CASA và cải thiện chất lượng tài sản trong năm tới.