Tại hội thảo “Nhận diện điểm sáng đầu tư và kinh doanh năm 2024” diễn ra vào sáng 26/3 do CafeF tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến về các xu thế của vốn FDI cũng như cơ hội cho doanh nghiệp, ngân hàng trong thời gian tới.
Bên lề sự kiện, bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc toàn quốc khối quản lý và tư vấn giải pháp thanh toán toàn cầu thuộc ngân hàng HSBC Việt Nam chia sẻ về lợi thế của Việt Nam trong thu hút FDI cũng như điều Việt Nam cần làm để có thể đẩy mạnh hơn nữa việc gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Phóng viên: Nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam họ quan tâm nhiều nhất đến những chính sách hỗ trợ nào, thưa bà?
Bà Đỗ Thụy Như Thùy: Việt Nam đang có thế mạnh rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt trong ngành sản xuất. Khi trao đổi với các doanh nghiệp đa quốc gia hoặc các nhà đầu tư nước ngoài, HSBC nhận thấy họ quan tâm rất nhiều đến sự ổn định về kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, độ mở của nền kinh tế.
Một đất nước như Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 16 nước trên thế giới. Ngoài ra, nhà đầu tư quan tâm đến việc nguồn nhân lực có đủ để đáp ứng nhu cầu của họ hay không.
Một yếu tố khác rất quan trọng là nguồn năng lượng tái tạo đã được phát triển đến mức độ nào tại địa phương đón nhận đầu tư. Vấn đề năng lượng tái tạo đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bởi họ luôn hướng đến việc phát triển bền vững.
Phóng viên: Nhiều quan điểm cho rằng nền kinh tế FDI và nền kinh tế nội địa dường như đang rất tách bạch nhau, vậy bằng cách nào để hai nền kinh tế này có thể kết nối, hỗ trợ và bổ sung cho nhau nhiều hơn?
Bà Đỗ Thụy Như Thùy: Các doanh nghiệp trong nước cần phải bắt kịp xu hướng của nhà đầu tư nước ngoài, trước tiên phải nói đến nguồn nhân lực trình độ cao. Ví dụ như dòng vốn vào lĩnh vực FDI sản xuất các sản phẩm điện tử thì cần phải có nhân lực phù hợp để xử lý được các công đoạn kỹ thuật, máy móc. Hoặc các doanh nghiệp FDI cần tối ưu hóa chi phí thì phía các doanh nghiệp trong nước cũng cần phải nhìn thấy xu thế này để gia tăng việc số hóa hoạt động để có thể thu hút được dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Phóng viên: Khi dòng vốn FDI vào mạnh, theo bà điều đó mang đến cơ hội gì cho các ngân hàng?
Bà Đỗ Thụy Như Thùy: Trong bối cảnh này, các ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh các giải pháp liên quan đến thanh toán hoặc quản lý dòng tiền. Khi họ đã quen hoạt động ở nước ngoài, họ đã quen với việc điều hành trên nền tảng kỹ thuật số, trong bối cảnh này các ngân hàng cần phải đặt ra câu hỏi nền tảng đã sẵn sàng chưa, ngoài ra cần phải đảm bảo về tính bảo mật cao để có thể đồng hành tốt nhất với nhà đầu tư.
Phóng viên: Vậy những nhà đầu tư đang lo lắng về những điều gì, hoặc có băn khoăn, quan ngại gì?
Đối với nhà đầu tư, họ luôn quan tâm đến việc chính sách của mình có thu hút được nhà đầu tư, khung pháp lý có được thông thoáng để giúp thúc đẩy đầu tư nhiều hơn nữa hay không.
Phóng viên: Cám ơn những chia sẻ của bà!