Không chỉ là kỳ họp Quốc hội cuối năm, Kỳ họp thứ 6 còn là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, sơ kết việc thực hiện các kế hoạch 5 năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta đã đề ra, nhất là những nội dung quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…
Vì lẽ đó, trước kỳ họp, cử tri và Nhân dân cả nước đã rất kỳ vọng vào những quyết sách được thông qua tại kỳ họp, đặc biệt là khi các nội dung trình Kỳ họp thứ 6 đã được chuẩn bị “từ xa, từ sớm”, các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết đã qua nhiều vòng thảo luận, tọa đàm, hội nghị, thẩm tra, đồng thời, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.
Cuối tháng 11/2023, sau 22,5 ngày làm việc, Quốc hội đã khép lại Kỳ họp thứ 6 với khối lượng công việc lớn, thảo luận, cho ý kiến, thông qua nhiều quyết sách quan trọng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, bổ sung nội dung và đều là những vấn đề khó, phức tạp nhưng kỳ họp bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả”.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua tới 7 luật: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); cùng 9 nghị quyết. Đồng thời, Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ 3 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.
Bên cạnh nội dung trọng tâm là công tác lập pháp, Quốc hội cũng chú trọng đến công tác giám sát, nhất là giám sát tối cao triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia để thấy được những vướng mắc, những khó khăn tồn tại hạn chế của các cấp ngành trong triển khai thực hiện. Từ đó, Quốc hội có nghị quyết để tiếp tục là cơ sở cho Chính phủ và các bộ, ngành trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hơn.
Cùng với đó, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đây được xem là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay đối với những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.
Cũng tại kỳ họp, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khoá XV, Quốc hội tổ chức chất vấn tất cả thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tại phiên chất vấn đặc biệt này, những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến văn hoá, giáo dục, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh... đều đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra, yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ trách nhiệm, đưa ra những giải pháp, cam kết thực hiện trong thời gian tới.
Qua đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung thực hiện trong từng lĩnh vực để khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến tạo sự phát triển mới.
Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, có nhiều quyết sách kịp thời để đưa đất nước vượt qua khó khăn, phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Đánh giá về kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, đây là kỳ họp Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, lớn nhất từ trước đến nay.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp chất lượng, đổi mới trong hoạt động để chọn ra các vấn đề trọng tâm, trọng điểm và tiếp cận với các đối tượng chịu tác động của chính sách rất kỹ và rất thấu đáo. Trong đó, đã thông qua cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ hay việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đây là quyết sách rất kịp thời để tháo gỡ vướng mắc cho dự án giao thông quan trọng cũng như tăng nguồn thu ngân sách của đất nước trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Và mặc dù, tại kỳ họp, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất, song theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, “việc điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua hai dự án luật này thể hiện tinh thần cẩn trọng, trách nhiệm của Quốc hội để bảo đảm các luật khi được ban hành phải đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, bền vững, đặc biệt là không xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác”.
Nhiều đại biểu và chuyên gia cũng đồng tình rằng việc điều chỉnh này thể hiện sự linh hoạt và thận trọng của Quốc hội trong quá trình lập pháp. Bởi lẽ đây là hai dự án luật còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, cần thiết phải có sự xem xét kỹ lưỡng hơn. Nếu không, những vướng mắc trong thực tế chưa tháo gỡ được, khi luật có hiệu lực lại tiếp tục phát sinh những "điểm nghẽn".
Dẫu vậy, việc điều chỉnh này cũng không phải mất quá nhiều thời gian khi vào giữa tháng 1/2024, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 5 và chính thức thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với sự thống nhất cao. Đồng thời, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Có thể thấy, mặc dù đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn tại Kỳ họp thứ 6, song với tinh thần bám sát thực tiễn vì sự phát triển chung của đất nước, Quốc hội đã luôn sáng đèn để có nhiều quyết sách góp phần quan trọng cho việc hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tạo động lực mới tăng trưởng năm 2024 - năm bản lề mà theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.