Theo Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương tính đến ngày 15/05 đạt 5,7% kế hoạch vốn được giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 4,9%.
Tổng kế hoạch vốn được giao về các địa phương là hơn 24.172 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công là gần 9.500 tỷ đồng (53/63 địa phương), vốn vay lại là gần 15.000 tỷ đồng (51/63 địa phương).
Tính đến tháng 5/2024, trên toàn quốc mới có 5/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, vẫn còn 28/53 địa phương chưa giải ngân vốn từ ngân sách Trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Mới đây, chia sẻ với báo chí, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, trong những năm gần đây, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công liên tục được cải thiện. Cụ thể nhất là năm 2023, một năm đặc biệt với số vốn giải ngân đầu tư công rất lớn, tỉ lệ chúng ta đạt gần 95%. Đây là con số hết sức ấn tượng.
Câu chuyện thú vị ở đây là số tuyệt đối, bởi lẽ năm 2023 là năm có lượng vốn đầu tư công rất cao, cao nhất từ trước đến nay. Còn năm 2024 thì thấp hơn một chút, vì đã kết thúc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Lượng vốn để giải ngân trong năm 2024 thấp hơn khoảng gần 100.000 tỷ đồng. Thế nhưng, điểm đặc biệt ở 3 tháng đầu năm nay, số tuyệt đối giải ngân đầu tư công lại cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do các giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra đã phát huy hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Chính phủ và các bộ ngành đưa đưa ra các giải pháp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đầu tiên phải kể đến khâu thể chế. Rất nhiều cải cách, đổi mới trong thể chế được thực hiện. Đặc biệt, có những cơ chế mới, cơ chế đặc thù, trình các cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội ban hành trong thời gian qua áp dụng cho các dự án quy mô lớn, dự án quan trọng.
Thứ hai là công tác chỉ đạo điều hành. Các giải pháp trong chỉ đạo điều hành những năm vừa qua mà Chính phủ áp dụng và triển khai hết sức quyết liệt. Từ 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân nay đã trở thành 26 tổ, do các đồng chí bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm tổ trưởng để đi đôn đốc triển khai, thực hiện. Ngoài ra, có rất nhiều nghị quyết, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp trong chỉ đạo điều hành.
Thứ ba, đó chính là sự tự giác, sự quyết liệt ở các đơn vị, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức, triển khai thi công các công trình. Chúng ta thấy được không khí làm việc trên công trường, như Thủ tướng vẫn thường nói là "thi công 3 ca 4 kíp", "vượt nắng thắng mưa"…
Cuối cùng là các giải pháp về mặt phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan Trung ương, địa phương trong việc xử lý các tình huống. Rõ ràng, một cơ quan không làm được, mà phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm, mục tiêu của năm nay là tỉ lệ giải ngân vốn đầu công đạt 95%. Và cho rằng 4 giải pháp mà chúng ta vừa điểm qua về hiệu quả thì trong năm 2024 cần nhấn mạnh và nâng tầm lên cao hơn, hiệu quả hơn, để có thể phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra.
“Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm, nhưng để đạt được mục tiêu giải ngân hết được vốn đầu tư công, thì ngoài 4 giải pháp mà chúng ta đã thực hiện và phát huy tốt hơn, cần phải nhấn thêm một giải pháp nữa, đó là vấn đề xử lý các tình huống phát sinh đối với các dự án, đặc biệt là dự án lớn”, ông Trần Quốc Phương nói.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị những vướng mắc trên, đồng thời đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân như đảm bảo thời gian xử lý đơn rút vốn đúng quy định, tổ chức các đoàn trực tiếp làm việc, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các địa phương được giao nhiều kế hoạch vốn. Các địa phương cần tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ như rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục.