Cả nước mới hoàn thành 4,7% kế hoạch đặt ra
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về số lượng dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành năm 2024 của các địa phương.
Theo đó, 63/63 địa phương đăng ký hoàn thành tổng 108 dự án, quy mô hơn 47.500 căn trong năm nay. Trong đó, Hà Nội đăng ký 3 dự án với gần 1.200 căn, còn TP HCM là 6 dự án, quy mô gần 3.800 căn.
Chỉ tiêu của hai địa phương này trong giai đoạn 2021-2025, theo đề án xây một triệu căn nhà xã hội của Thủ tướng, lần lượt hơn 18.700 căn và hơn 26.000 căn.
Ba địa phương dẫn đầu cả nước về mục tiêu hoàn thành nhà ở xã hội là Bắc Ninh, Bình Dương và Hải Phòng. Trong đó Bắc Ninh đăng ký hoàn thành nhiều nhà xã hội nhất với 5 dự án, quy mô 6.000 căn. Đứng thứ hai là Bình Dương với 20 dự án, quy mô 4.500 căn. Hải Phòng xếp thứ ba với gần 4.000 căn từ 8 dự án.
Nhiều địa phương cũng đặt mục tiêu hoàn thành hơn nghìn căn nhà xã hội trong năm nay như Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Đắk Lắk, Cần Thơ, An Giang...
Bên cạnh đó, nhiều địa phương không đăng ký hoàn thành dự án nhà xã hội, nhà ở công nhân nào trong năm nay như Hải Dương, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Ninh Thuận...
Theo đề án xây một triệu căn nhà ở xã hội của Thủ tướng, giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành khoảng 428.000 căn. Trong báo cáo tổng kết mới đây, Bộ Xây dựng cho biết giai đoạn này, cả nước mới hoàn thành 4,7% kế hoạch đặt ra, với khoảng 20.000 căn. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá số lượng dự án hiện tại mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thực tế của công nhân lao động.
Còn nhiều thách thức cho đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội
Thực tế cho thấy, hiện nay dù hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, nguồn cung cũng như tiến độ của nhiều dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn nhiều hạn chế.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đến thời điểm cuối năm 2023, có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp hiện nay đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020 đã xác định.
Theo ông Lê Văn Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc triển khai thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện người dân vẫn phàn nàn về thủ tục mua còn rườm rà, gây khó khăn cho đối tượng mua nhà.
Thời gian xác định tiền miễn sử dụng đất này thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Do đó, ảnh hưởng đến thời gian xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhất là những dự án phải kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng và xử lý các công việc liên quan.
Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư cũng gặp nhiều vướng mắc, nhất là khâu xây dựng nhà ở xã hội không phải đóng tiền sử dụng đất, nhưng vẫn phải thành lập các khâu đánh giá, rồi mới có quyết định miễn tiền sử dụng đất.
Dưới góc độ Hiệp hội ngành nghề chuyên ngành, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, cần có thêm nhiều giải pháp tháo gỡ ách tắc, vướng mắc về đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội để tăng nguồn cung nhà ở xã hội như: tăng nguồn cung nhà ở xã hội đối với trường hợp dự án sử dụng “đất công” - là đất sạch để phát triển nhà ở xã hội; tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội mà doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Châu, có thể xem xét cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được hoán đổi nhà ở xã hội tương đương quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại để đảm bảo nguồn cung nhà ở xã hội và phù hợp với tình hình thực tiễn.
“Muốn có nhiều nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập, phải tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của một số quy định pháp luật hiện hành và bổ sung các cơ chế chính sách mới để đẩy mạnh hoạt động phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập", ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.