Quản lý vàng miếng là một vấn đề "nóng" trong cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 vừa diễn ra.
Theo đó, diễn biến trên thị trường cho thấy, những ngày cuối năm 2023, giá vàng miếng liên tục nhảy múa. Trong khi vàng nhẫn, nữ trang ổn định trong khoảng 63-64 triệu đồng mỗi lượng, giá vàng miếng SJC vọt lên mức kỷ lục hơn 80 triệu đồng. Những ngày sau đó, giá vàng miếng liên tục tăng giảm với biên độ vài triệu đồng mỗi ngày, thậm chí trong vài giờ và chênh lệch so với thế giới vọt lên 20 triệu đồng. Biên độ mua - bán cũng bị đẩy lên 4-6 triệu đồng, thể hiện mức độ biến động cao của thị trường.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú việc giá thế giới tăng một mà trong nước tăng ba là không chấp nhận được. Nhiều tin đồn thất thiệt có tính chất đầu cơ đã xuất hiện khiến thị trường biến động mạnh những ngày qua.
Đặc biệt ông Tú cũng khẳng định cơ quan quản lý cũng không chấp nhận việc chênh lệch giữa vàng SJC và các loại vàng khác quá cao.
Về đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, ông Tú cũng khẳng định Nhà nước không bảo hộ kinh doanh vàng bạc, nhất là vàng miếng nhưng luôn tôn trọng quyền bảo quản, cất giữ, mua bán vàng miếng của người dân.
“Đến nay, vàng SJC còn hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ của nó không, điều này cần xem xét. Cho dù còn vàng SJC độc quyền hay còn nhiều thương hiệu vàng khác tham gia vào thị trường vàng miếng thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải đạt được là để làm sao thị trường vàng này không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đảm bảo quyền lợi của 100 triệu người dân Việt Nam”, Phó Thống đốc NHNN khẳng định.
Trước những biến động của thị trường vàng miếng, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng.
Theo kế hoạch, sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, bộ ngành, NHNN sẽ có báo cáo tổng kết đánh giá chính sách quản lý thị trường vàng và trình Chính phủ định hướng, phê duyệt chủ trương thay đổi chính sách phù hợp tình hình mới ngay trong tháng 1/2024.
Tuy vậy, Nghị định 24 đã ra đời cách đây hơn 10 năm và dù có vai trò lịch sử nhất định, với điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi, “việc sửa đổi Nghị định 24 là cần thiết và đáng lẽ ra phải sửa từ sớm hơn”.
“Nhà nước không chấp nhận việc giá vàng trong nước chênh lệch tới 20 triệu so với giá vàng thế giới trong năm vừa qua và giá vàng SJC với các vàng khác chênh nhau tới vài triệu đồng. Tất cả những vướng mắc này sẽ được giải quyết trong Nghị định 24 sửa đổi trong tháng 1 này”, ông Tú cho hay.