Trong phiên 9/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ghi nhận diễn biến đáng chú ý trên thị trường tiền tệ khi NHNN lần đầu tiên không phát hành tín phiếu mới sau 7 tuần liên tiếp thực hiện nghiệp vụ này.
Ở hướng ngược lại, có 20.000 tỷ đồng tín phiếu tới ngày đáo hạn, đồng nghĩa với lượng tiền tương ứng được bơm trả lại hệ thống.
Bên cạnh đó, NHNN vẫn tiếp tục chào mua công cụ có giá với kỳ hạn 7 ngày song không có thành viên nào tham gia.
Trước đó, NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào hôm 21/9, sau hơn 6 tháng tạm ngưng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Theo giới phân tích, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Theo thống kê từ ngày 21/9 – 8/11, NHNN đã phát hành tổng cộng 360.345 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày. Đến ngày 9/11/2023, đã có 185.695 tỷ đồng trở lại hệ thống qua lượng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, khối lượng tín phiếu đang lưu hành là 174.650 tỷ đồng và đáo hạn trong thời gian tới.
NHNN dừng phát hành tín phiếu trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng đã bật tăng trở lại từ mức thấp kỷ lục.
Theo số liệu từ NHNN, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm trong phiên 8/11 là 0,83%/năm, tăng mạnh so với mức lãi suất 0,14% áp dụng cho ngày 21/9 – thời điểm NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu. Các kỳ hạn chủ chốt như 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng cũng đều tăng 0,3 – 1 điểm %.
Ngoài xu hướng tăng của lãi suất liên ngân hàng, việc FED tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 vừa qua đã khiến giá trị đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế đảo chiều giảm mạnh, giảm áp lực lên tỷ giá.
Thực tế, tỷ giá USD/VND cũng giảm liên tục trong những phiên gần đây. Kết phiên 9/11, giá USD bán ra tại Vietcombank – ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống - được niêm yết ở mức 24.250 VND/USD, giảm 220 đồng (tương đương 0,9%) trong 1 tuần trở lại đây.
Áp lực tỷ giá hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bám sát các mục tiêu vĩ mô cho giai đoạn cuối năm 2023.
“Khi lộ trình ngừng tăng lãi suất của Fed trở nên rõ ràng hơn sau kết quả cuộc họp của FED trong tháng 11, DXY Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh xuống mặt bằng thấp hơn, qua đó giảm áp lực mất giá cho VNĐ”, Chứng khoán Bảo Việt nhận định.