Hiện tại, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải tìm cách thay đổi chính mình. Các nhà lãnh đạo nước này đang phải chật vật để tìm ra câu trả lời trước những vấn đề mang tính dài hạn và những cuộc khủng hoảng ngắn hạn.
Theo IMF, Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới suy thoái vào năm 2030. Trong khi đó, ngay cả Nga - quốc gia đang chịu một loạt lệnh trừng phạt, vẫn đang ghi nhận đà tăng trưởng.
Sự phụ thuộc của kinh tế Đức và hoạt động sản xuất và thương mại thế giới đã khiến nước này dễ bị tác động trước những bất ổn trên toàn cầu: đó là sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch, giá năng lượng leo thang, lạm phát và lãi suất tăng cao.
Mô hình phát triển trở nên lỗi thời vì quá phụ thuộc xuất khẩu
Wall Street Journal cho biết, tại nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức - Volkswagen, các giám đốc điều hành đã đưa ra những bình luận khá căng thẳng trong cuộc họp nội bộ tháng 7.
Chi phí tăng vọt, nhu cầu sụt giảm và các đối thủ mới như Tesla, hay những nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc đang trở thành "cơn bão hoàn hảo" đối với họ. Một trưởng bộ phận của VW mô tả rằng mái nhà của họ đang bốc cháy.
Song, những vấn đề này không phải là mới. Sản lượng sản xuất và GDP của Đức đã giảm tốc từ năm 2018, cho thấy mô hình phát triển lâu dài của nước này đã dần mất đi sức hút.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đóng vai trò là động lực chính cho sự bùng nổ hoạt động xuất khẩu của Đức. Quốc gia châu Á với quá trình công nghiệp hoá nhanh chóng đã mua toàn bộ các loại hàng hoá mà Đức sản xuất. Tuy nhiên, mô hình này lại trở nên hạn chế trong thời gian gần đây, khi tăng trưởng và nhu cầu nhập khẩu chững lại.
Sau khi nước Đức thống nhất vào những năm 1990, các doanh nghiệp Đức đã nỗ lực để hoạt động sản xuất trở nên linh hoạt hơn. Các doanh nghiệp nước này ngày càng trở nên tinh gọn hơn, trong khi thế giới lại cần nhiều hơn những yếu tố như "giỏi" sản xuất.
Việc Trung Quốc đầu tư mạnh hơn vào năng lực công nghiệp đã thúc đẩy sự tăng trưởng của các nhà máy sản xuất Đức ở Bavaria và Baden-Württemberg. VW đầu tư mạnh vào Trung Quốc và tập trung vào nhóm người tiêu dùng giàu có.
Không còn là "khách sộp" của Đức, các ngành công nghiệp Trung Quốc lại trở thành những đối thủ cạnh tranh quyết liệt. Các hãng xe mới của Trung Quốc đang "đối đầu" trực tiếp với những "ông lớn" của Đức như VW - vốn đang tụt hậu trong cuộc cách mạng xe điện.
Ở quy mô rộng hơn, bối cảnh toàn cầu cũng trở nên kém thuận lợi hơn với mô hình thương mại vốn mang về lợi ích cho Đức. Sự thay đổi này rõ ràng hơn khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan với cả các đồng minh châu Âu. Quyết định rời EU của Anh hay EU trừng phạt Nga cũng báo hiệu sự thay đổi với các nhà xuất khẩu lớn.
Sự bùng nổ kéo dài của ngành công nghiệp Đức đã khiến những điểm yếu trong nước bị bỏ qua, từ lực lượng lao động già đi cho đến các lĩnh vực khác. Quốc gia này chủ yếu hỗ trợ các ngành công nghiệp đã có từ lâu như ô tô, máy móc, hoá chất, chứ không thúc đẩy mạnh các ngành mới như công nghệ kỹ thuật số. Công ty phần mềm lớn duy nhất của nước này là SAP, được thành lập vào năm 1975.
Hoạt động đầu tư công bị cắt giảm trong nhiều năm khiến cơ sở hạ tầng xuống cấp, hệ thống giáo dục kém nổi trội, kết nối internet và điện thoại tốc độ cao đang thụt lùi so với các nền kinh tế phát triển khác.
Moritz Schularick, chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel, nhận định: "Đức đã gần như ngủ quên trong suốt hơn 1 thập kỷ vốn đầy thách thức."
Ô tô đang "xếp hàng" để xuất khẩu tại Yên Đài, Trung Quốc vào năm ngoái.
Khó khăn đến từ việc... ngại thay đổi
Khi trở nên thành công, các nhà sản xuất của Đức lại không muốn thay đổi. Những hãng cung cấp linh kiện ô tô của Đức tự tin vào khả năng của họ đến mức nhiều người còn bác bỏ những ý tưởng rằng xe điện sẽ thách thức động cơ đốt trong. Sau khi thất bại trong việc đầu tư vào pin hay các công nghệ khác cho ô tô thế hệ mới, nhiều hãng nhận ra rằng họ đang bị các doanh nghiệp mới nổi của Trung Quốc "vượt mặt".
Một nghiên cứu gần đây của PwC cho thấy các nhà cung cấp ô tô của Đức, một phần do ngại thay đổi, đã bị mất thị phần trên toàn cầu kể từ năm 2019.
Hiện tại, ngày càng nhiều doanh nghiệp Đức phàn nàn về tình trạng các quy định hoạt động ngày càng trở nên vòng vo và kém thực tế. Ví dụ, công ty công nghệ sinh học BioNTech gần đây đã chuyển một số hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng sang Anh vì ở Đức thiếu quy định về việc bảo vệ dữ liệu.
Trong khi đó, hồi tháng 3, một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất nước này, tập đoàn khí đốt đa quốc gia Linde đã huỷ niêm yết trên sàn Frankfrurt và chỉ giao dịch ở New York. Quyết định này đến một phần là do gánh nặng quy định tài chính ở Đức ngày càng lớn và công ty này cũng không muốn bị coi là một doanh nghiệp Đức - yếu tố mà họ tin rằng đang làm giảm sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Đức đang thiếu lao động có tay nghề cao.
Hơn nữa, chi phí năng lượng đang đặt ra những mối thách thức hiện hữu với các lĩnh vực như hoá chất. Giá năng lượng ở châu Âu đã giảm so với mức đỉnh hồi năm ngoái, nhưng các ngành công nghiệp của Đức vẫn phải chịu mức phí cao hơn so với các công ty cùng ngành ở Mỹ và châu Á.
Các giám đốc điều hành của Đức thì phàn nàn về vấn đề thiếu nhân sự có tay nghề cao, quy định nhập cư phức tạp khiến việc thu hút nhân tài có trình độ từ nước ngoài khó khăn hơn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng viễn thông và kỹ thuật số cũng không đồng đều.
Một vấn đề mà Đức không thể khắc phục trong thời gian sớm là nhân khẩu học. Lực lượng lao động sụt giảm đã khiến khoảng 2 triệu việc làm "còn trống". Khoảng 43% các doanh nghiệp Đức đang gặp khó khăn trong việc tìm lao động, khi thời gian trung bình để tuyển dụng 1 người là gần 6 tháng.
Chưa dừng ở đó, Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Dân chủ Xã hội của ông đang lãnh đạo một liên minh mà nhiều thành viên có quan điểm trái ngược về tương lai. Đảng Dân chủ Tự do muốn cắt giảm thuế, trong khi đảng Xanh lại muốn tăng thuế.
Mới đây, ông Scholz đã bác bỏ những dự báo ảm đạm về nền kinh tế Đức. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết: "Những thay đổi là điều cần thiết nhưng không phải là cuộc đại tu với mô hình mà hoạt động xuất khẩu dẫn đầu, vốn rất hiệu quả với Đức trong suốt thời kỳ hậu Thế chiến II."
Hiện tại, Đức vẫn sở hữu những lợi thế không ai có thể phủ nhận. Quốc gia này sở hữu những "bí quyết" về kỹ thuật, cũng như chuyên môn cao về hàng hoá. Điều này giúp họ vẫn có thể thu lợi từ đà tăng trưởng của nhiều nền kinh tế mới nổi.
Ngoài ra, quá trình cải cách thị trường lao động đã có sự cải thiện đáng kể đối với tỷ lệ dân số có việc làm. Nợ công của Đức cũng thấp hơn so với hầu hết các nước phát triển và thị trường tài chính coi trái phiếu chính phủ Đức là một trong những tài sản an toàn nhất thế giới.
Tham khảo WSJ