Tại phiên toàn thể "Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước" trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh: “Điều này không chỉ thể hiện khát vọng của thành phố, mà còn thể hiện ý chí quyết tâm của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ nhằm nỗ lực thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về việc thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu những năm 2000, trong định hướng phát triển, TP. Hồ Chí Minh đã được chú trọng phát triển thị trường tài chính, xem đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong năm 2023, thành phố đặc biệt đẩy mạnh ngoại giao kinh tế nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội và xây dựng hình ảnh của thành phố hậu COVID-19.
Vị thế của một trung tâm tài chính được đánh giá dựa trên năm trụ cột là: Môi trường kinh doanh, Nguồn nhân lực, Cơ sở hạ tầng, Mức độ phát triển ngành tài chính và Danh tiếng thành phố. Ông Hoan cho biết, theo Báo cáo xếp hạng Trung tâm tài chính toàn cầu, TP. Hồ Chí Minh là thành phố duy nhất ở Việt Nam được ghi nhận như một trung tâm tài chính thứ cấp từ tháng 3/2020 cho đến nay.
Mặc dù, thị trường vốn của Việt Nam đang được nhận định có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua; quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP tăng từ 11% vào năm 2011 lên 54% năm 2020, trong đó TP. Hồ Chí Minh chiếm hơn 95% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và 64,8% GDP cả nước; tuy nhiên, vẫn còn khá thấp so với một số nước trong ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines).
Thị trường trái phiếu vẫn còn hạn chế, trong các loại sản phẩm và dịch vụ liên quan thì trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ tiếp tục chiếm ưu thế. Trong các năm gần đây thị trường vốn đã xuất hiện các hoạt động dịch vụ tài chính mới nổi như: chứng khoán phái sinh, bảo hiểm, mua bán - sáp nhập (M&A), quản lý quỹ, quản lý tài sản, ngân hàng số và công nghệ tài chính,... nhưng chưa có các dịch vụ tài chính huy động vốn gắn với khả năng chấp nhận rủi ro cao, như nguồn vốn mạo hiểm; trái phiếu xanh; hoạt động niêm yết chéo...
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự phát triển của trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh còn có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn lực tài chính từ bên ngoài, từ các khoản viện trợ, hợp tác, kiều hối, dự án đầu tư nước ngoài… thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế. Trong năm 2023, công tác ngoại giao kinh tế được thành phố đặc biệt đẩy mạnh nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội và xây dựng hình ảnh hậu COVID-19.
Kết quả năm 2023, Thành phố thu hút vốn FDI được khoảng 3,4 tỷ USD, lượng kiều hối chuyển về đạt gần 9 tỷ USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022. Các nguồn lực tài chính được thu hút thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế và các chính sách thu hút đầu tư có vai trò quan trọng, góp phần tạo nguồn lực, mở rộng và đẩy mạnh phát triển các dịch vụ tài chính, giao dịch tài chính từng bước hình thành diện mạo một trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh theo định hướng.
Những đột phá chính sách để hiện thực hóa mục tiêu trung tâm tài chính quốc tế
Để phát triển từ một Trung tâm tài chính thứ cấp thành Trung tâm tài chính toàn cầu thực thụ, đòi hỏi TP. Hồ Chí Minh phải nỗ lực cải thiện đồng bộ các trụ cột về năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính, làm rõ mô hình và lựa chọn hướng đi phù hợp, xác định chiến lược và các quyết sách mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn có tầm ảnh hưởng, dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào thị trường Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên tinh thần chủ động và sáng tạo, thực chất và chuyên nghiệp; tập trung xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh quốc tế về thành phố thân thiện, năng động, an toàn, là điểm đến hấp dẫn của du khách và nhà đầu tư quốc tế.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy triển khai các cam kết, các dự án chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế một cách hiệu quả và thực chất.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thu hút và phát huy nguồn lực tri thức, nguồn kiều hối phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Thứ tư, thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, nhất là Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hình thành khung chính sách vượt trội so với các trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực ASEAN; hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đảm bảo minh bạch, an toàn cho các nhà đầu tư tài chính và kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế đến đầu tư tại Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh.
“Về phần mình, Thành phố cam kết sẵn sàng quỹ đất; sẵn sàng quy hoạch; sẵn sàng hạ tầng; sẵn sàng nguồn nhân lực để đáp ứng cho các nhà đầu tư”, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.