Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi các địa phương yêu cầu báo cáo tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong doanh nghiệp, nhằm nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đồng thời triển khai các giải pháp góp phần ổn định quan hệ lao động, nhất là trong dịp giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Trong văn bản, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người lao động theo quy định, nội dung đã thỏa thuận.
Cùng với đó, xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 theo quy định của pháp luật lao động, và thông báo công khai cho người lao động trong doanh nghiệp biết.
Bộ cũng đề nghị địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình quan hệ lao động, biến động lao động và tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt, cần có biện pháp thích hợp để phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn. Khi có tranh chấp lao động, đình công phát sinh, cần nhanh chóng nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các bên tiến hành đối thoại, thương lượng để giải quyết bất đồng, không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Đối với vấn đề tiền lương, tiền thưởng, các địa phương cần phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất khảo sát, nắm tình hình tiền lương, nợ lương năm 2023; kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh, và tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Việc khảo sát tình hình cần bao quát tất cả các loại hình doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; Doanh nghiệp dân doanh, và Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Các thông tin này tổng hợp và gửi về Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội (qua Cục Quan hệ lao động và Tiền lương) trước ngày 25/12/2023.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn yêu cầu công đoàn cơ sở đề xuất với doanh nghiệp xây dựng công khai phương án trả lương và thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán 20 ngày nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đề xuất này được nhiều doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng.
Theo báo cáo tổng hợp về mức thưởng Tết năm 2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền lương bình quân của người lao động năm 2022 là 8,25 triệu đồng/tháng. TP. Hồ Chí Minh là địa phương có mức thưởng Tết dương lịch cao nhất cho một cá nhân, dự kiến hơn 600 triệu đồng. Một số tỉnh, thành thưởng cao cho cá nhân người lao động xuất sắc nữa là Hà Nội (125 triệu đồng), Bắc Ninh (257 triệu đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (gần 180 triệu đồng), Bến Tre (hơn 320 triệu đồng)…