Duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán
Tại cuộc họp báo công bố kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hệ thống Kho bạc Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2024, Phó Tổng Giám đốc KBNN Trần Thị Huệ cho biết, trong thời gian qua, các đơn vị trong toàn hệ thống KBNN đã tổ chức hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu, chi NSNN, các loại vốn, quỹ, tài sản của Nhà nước. Thực hiện tốt công tác tổng hợp, lập báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ phục vụ điều hành NSNN của Lãnh đạo Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan. Duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán trong nội bộ hệ thống KBNN và thanh toán với các hệ thống ngân hàng đảm bảo thông suốt, kịp thời và an toàn.
Bên cạnh đó, KBNN đã chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai các công việc liên quan đến công tác tổng hợp, lập và hoàn thành Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo tài chính nhà nước năm 2022 và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; trong đó, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 94,25%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn để mở rộng công tác phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại (NHTM), góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN, hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN. Tính đến hết ngày 30/6, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.027.173 tỷ đồng, bằng 60,39% dự toán năm 2024. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 150.972 tỷ đồng về giá trị, tăng 6,33% về tỷ lệ thực hiện.
Đồng thời, KBNN triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức làm công tác kiểm soát chi NSNN, đảm bảo chi NSNN kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách.
6 tháng đầu năm, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 484.035 tỷ đồng, bằng 38,1% dự toán chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách nhà nước qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng). So với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 28.135 tỷ đồng về giá trị, thấp hơn 0,4% về tỷ lệ so với dự toán (đến hết ngày 30/6/2023, kiểm soát chi thường xuyên NSNN là 455.900 tỷ đồng, bằng 38,5% so với dự toán năm 2023).
6 tháng đầu năm, lũy kế thanh toán là 185.767,5 tỷ đồng; bằng 27,8% kế hoạch năm 2024 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao. Lũy kế thanh toán vốn đầu tư kéo dài năm trước chuyển sang năm 2024 đến ngày 30/6 qua hệ thống KBNN là 8.558,7 tỷ đồng/52.546,3 tỷ đồng, bằng 16,3% kế hoạch vốn năm trước chuyển sang năm 2024 được xác nhận chuyển nguồn qua hệ thống KBNN. Trong đó, vốn trong nước thanh toán là 8.530,8 tỷ đồng, bằng 16,7% kế hoạch; Vốn ngoài nước thanh toán là 27,9 tỷ đồng, bằng 2,0% kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng
Giải thích về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm còn thấp, ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi KBNN cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng là do quy luật hàng năm, giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm thường thấp hơn so với 6 tháng cuối năm vì đầu năm thường chuẩn bị dự án, đấu thầu. Ngoài ra, tại các địa phương, việc triển khai dự án vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, chưa có mặt bằng nên chưa thể thi công và không có khối lượng thanh toán. Bên cạnh đó, thời gian qua, thị trường vật liệu xây dựng phục vụ dự án đường cao tốc gặp khó khăn, ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án, tác động tiến độ giải ngân vốn.
Ông Trần Mạnh Hà khẳng định, Kho bạc Nhà nước luôn sẵn sàng giải ngân vốn đầu tư công. Ngay từ đầu năm, Kho bạc Nhà nước có chỉ thị triển khai đơn vị phổ biến, quán triệt giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống. Thanh toán trực tuyến, hỗ trợ chủ đầu tư giải ngân qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để phục vụ giải ngân cho các chủ đầu tư. Kho bạc Nhà nước có hệ thống giám sát giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo không chậm muộn giải ngân ở cơ sở, hàng tháng có kiểm tra các hồ sơ thanh toán, không để tồn đọng.
Trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật, phối hợp với bộ ngành tập huấn nghiệp vụ đầu tư công. Để thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, các Bộ ngành, địa phương cần sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chủ đầu tư đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để có đầy đủ chứng từ thanh toán chuyển ngay cho Kho bạc Nhà nước kịp thời giải ngân vốn đầu tư công.
Huy động trái phiếu Chính phủ mới đạt mức 400.000 tỷ đồng/660.000 tỷ đồng kế hoạch
Về công tác huy động vốn, trong 6 tháng đầu năm, KBNN đã bám sát diễn biến thị trường, tình hình thu, chi, kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương, chủ động báo cáo với Bộ Tài chính triển khai các giải pháp phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP). Trong 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành TPCP là 156.502 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch năm 2024 (400.000 tỷ đồng), trong đó 100% TPCP được phát hành theo phương thức đấu thầu, kỳ hạn TPCP từ 5 - 30 năm.
Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân năm 2024 là 10,89 năm, phù hợp với mục tiêu (9- 11 năm); qua đó, duy trì thời gian đáo hạn bình quân của danh mục TPCP ở mức trên 9 năm (9,03 năm), góp phần quản lý nợ công an toàn, bền vững.
Lãi suất phát hành TPCP bình quân năm 2024 là 2,33%/năm, thấp hơn mức 3,21%/năm trong năm 2023, giảm chi phí vay vốn của NSNN, phù hợp với diễn biến thị trường và công tác điều hành chính sách chính sách tiền tệ của NHNN.
Ông Lưu Hoàng – Cục trưởng Quản lý Ngân quỹ cho biết, công tác huy động vốn đầu năm có nhiều thuận lợi do lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế tăng trưởng khá. Tuy nhiên, khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch 660.000 tỷ đồng, nhưng hiện mới đạt mức 400.000 tỷ đồng. Mặc dù khối lượng huy động chưa đạt nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu chi tiêu ngân sách. Từ nay đến hết năm, KBNN sẽ tập trung phát hành TPCP để đảm bảo cân đối ngân sách.
Trên cơ sở Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) và kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) năm 2024 của Bộ Tài chính, KBNN đã ban hành Kế hoạch CCHC và kiểm soát TTHC năm 2024 của hệ thống KBNN (Quyết định số 256/QĐ-KBNN ngày 15/01/2024 và Quyết định số 689/QĐ-KBNN ngày 01/02/2024); trong đó, phân công từng đơn vị các nhiệm vụ cụ thể và lộ trình chi tiết để thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch. Bên cạnh đó, KBNN đã thực hiện nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định TTHC thuộc lĩnh vực KBNN theo hướng rà soát, tái cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC hướng tới việc thực hiện giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống CNTT giữa KBNN với các đơn vị sử dụng NSNN; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tiếp tục thực hiện kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN đợt 01/2024, kết quả mức độ hài lòng đạt 99,91%, tăng 3,96% so với năm 2023 (95,85%).
Chánh Văn phòng KBNN Ngô Duy Hùng cho biết, chưa bao giờ mức độ hài lòng đạt kết quả cao như thời gian hiện nay, điều này minh chứng cho việc áp dụng đúng đắn các giải pháp cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng kiểm soát rủi ro cần thanh tra, kiểm tra. Trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính, hành chính.