
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng hành khách toàn thị trường trong nửa đầu năm 2025 đạt 41,3 triệu lượt người, tăng 10% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thị trường quốc tế đạt 23 triệu khách, tăng 13%; thị trường nội địa đạt 18,4 triệu khách, tăng 7%.
Trong 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 28 triệu lượt khách, trong đó, số lượng khách quốc tế đạt 9,6 triệu lượt, tăng 8%; khách nội đạt 18,4 triệu lượt, tăng 7%.
Về vận chuyển hàng hóa, các hãng hàng không nội địa đạt sản lượng 223,6 nghìn tấn, tăng 6,2% so cùng kỳ. Trong đó, hàng hóa quốc tế đạt 108 nghìn tấn (tăng 12,1%) và hàng hóa nội địa đạt 115,7 nghìn tấn (tăng 1,3%).
Những con số tích cực này cho thấy sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của ngành hàng không Việt Nam sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và những biến động toàn cầu, đặc biệt ở mảng vận chuyển quốc tế.
Bay 6 tháng đã lãi đủ kế hoạch cả năm
Ngành hàng không phục hồi mạnh mẽ đã giúp bức tranh kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2025 của các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục ghi nhận những kết quả khả quan.
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 diễn ra ngày 25/6, cập nhật kết quả kinh doanh quý II tới cổ đông, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN), cho biết quý II/2025, Vietnam Airlines ghi nhận hơn 22.100 tỷ đồng doanh thu vận tải hàng không, cao hơn gần 6% so với kế hoạch. Trong đó, doanh thu quốc tế đóng góp tới 65%, trong khi doanh thu từ thị trường nội địa chiếm 35%.
Lợi nhuận trước thuế riêng công ty mẹ ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận hợp nhất vào khoảng 1.600 tỷ đồng. Tính chung nửa đầu năm, Vietnam Airlines đạt hơn 5.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, trong đó lợi nhuận riêng hãng bay mẹ vào khoảng trên 4.000 tỷ đồng.
Với kết quả trên, hãng hàng không quốc gia Việt Nam gần như đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm của công ty mẹ (mục tiêu 4.168 tỷ đồng) chỉ sau 6 tháng, trong khi lợi nhuận hợp nhất cũng hoàn thành xấp xỉ 94% (mục tiêu 5.554 tỷ đồng).
Trong dự báo trước đó, MBS Research cũng dự phóng ngành hàng không sẽ là một trong những nhóm ngành có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất trong quý II với mức tăng khoảng 54% so với cùng kỳ và cả năm có thể đạt mức tăng trưởng 25%.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Vietnam Airlines có thể đạt 3.090 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ và cả năm ước đạt 11.518 tỷ đồng, tăng 52% so với năm ngoái. Nếu đạt được đây sẽ là mức lợi nhuận ròng cao kỷ lục của Vietnam Airlines.

Tương tự, MBS ước tính lợi nhuận ròng quý II của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã VJC) khả năng đạt 680 tỷ đồng, tăng 131% so với cùng kỳ năm 2024, cả năm đạt 2.251 tỷ đồng, tăng 58% so với năm trước. Dự báo này đặt ra trên cơ sở ước tính tổng lượng khách dự báo tăng 12% so với cùng kỳ và giá nhiên liệu bay ước giảm 8% so với cùng kỳ, ngoài ra dự kiến không có thu nhập bất thường trong quý II này.
Chiều ngược lại, MBS dự báo lợi nhuận ròng của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV) có thể giảm 14% trong quý II này (đạt 2.478 tỷ đồng) do tác động của lỗ tỷ giá dù tổng lượng hành khách thông qua các cảng hàng không do ACV quản lý vẫn tăng trưởng khoảng 15% trong quý II.
Dự báo này của MBS có nhiều điểm tương đồng với những con số mà ban lãnh đạo ACV chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa diễn ra. Theo đó, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, 6 tháng đầu năm sản lượng khách nội địa và quốc tế đều tăng, giúp tổng doanh thu đạt 11.700 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, song lợi nhuận trước thuế lại giảm 14%, đạt 5.851 tỷ đồng.
Tính riêng trong quý II, lợi nhuận trước thuế của ACV ước đạt 2.600 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo lãnh đạo ACV, lợi nhuận nửa đầu năm 2025 giảm so với cùng kỳ chủ yếu do lỗ tỷ giá hơn 1.000 tỷ đồng (so với lãi tỷ giá thuần 524 tỷ đồng cùng kỳ 2024). Từ đầu năm 2025, tỷ giá JPY/VND đã tăng khoảng 13% và đang ở vùng đỉnh 3 năm. Đối với kế hoạch năm 2025, ACV giả định JPY/VND tăng 20%, tương ứng lỗ tỷ giá cả năm là 1.700 tỷ đồng (so với lãi tỷ giá thuần 391 tỷ đồng vào năm 2024). Điều này sẽ tác động khiến lợi nhuận cả năm 2025 của ACV “đi lùi” so với năm 2024 (kế hoạch đạt 10.531 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 17%).
Dồn dập mở đường bay mới, lên kế hoạch mua tàu bay
Dù bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng không trong nửa đầu năm 2025 có sự phân hóa, song nhìn chung triển vọng của ngành trong nửa cuối năm 2025 và các năm tiếp theo vẫn được đánh giá tích cực.
Trong 3-5 năm tới, lãnh đạo ACV cho rằng ngành hàng không sẽ đi lên cùng với sự phát triển nền kinh tế. Trên thế giới thông thường khi GDP tăng 1% thì hàng không tăng 1,2-2%. Do đó, lãnh đạo ACV tin rằng mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ nếu đạt được thì ngành hàng không có thể sẽ tăng 10-20%.
Trong bối cảnh đó, việc mở rộng sân bay thời gian tới sẽ ngày càng lớn và ACV đang đẩy mạnh việc triển khai các dự án, đặc biệt là dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cập nhật về tiến độ dự án tại cuộc họp đầu tháng 7, ACV cho biết hạng mục nhà ga hành khách sẽ hoàn thiện phần xây dựng trước 31/12/2025 và bắt đầu lắp đặt thiết bị từ quý II/2025; hoàn thiện nghiệm thu, chạy thử toàn bộ các hệ thống trước tháng 6/2026.

Về phía các hãng hàng không, để bắt kịp cơ hội tăng trưởng, các hãng cũng đang tích cực mở nhiều đường bay mới, đồng thời ký kết thêm các hợp đồng mua sắm máy bay, động cơ mới…
Cụ thể, Vietnam Airlines đặt mục tiêu sẽ có thêm 14 đường bay quốc tế đến các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Nga, Italy… trong năm 2025.
Sau khi khai trương đường bay kết nối TP.Hồ Chí Minh với Bắc Kinh vào tháng 3/2025, Vietnam Airlines tiếp tục khôi phục hai đường bay từ TP.Hồ Chí Minh đến Hong Kong (Trung Quốc) và từ Đà Nẵng đến Bangkok (Thái Lan).
Hãng cũng mở mới và tăng tần suất trên đường bay đi Ấn Độ, Indonesia, Nga, khai trương hai đường bay quốc tế giữa Hà Nội và Bengaluru từ 1/5 và Hyderabad (Ấn Độ) từ 7/5, tần suất 3-4 chuyến khứ hồi mỗi tuần…
Đầu tháng 6, hãng bay này cùng lúc khai trương 2 đường bay Nha Trang - Busan (Hàn Quốc) và TP.Hồ Chí Minh - Bali (Indonesia). Và trong những ngày đầu tháng 7, hãng tiếp tục khai trương thêm đường bay thẳng giữa Hà Nội - Milan (đường bay thẳng đầu tiên giữa Việt Nam và Ý) cùng đường bay thẳng đầu tiên kết nối TP.Đà Nẵng với TP.Osaka (Nhật Bản).
Tương tự, mở rộng mạng bay quốc tế cũng được Vietjet xem là chiến lược quan trọng của năm 2025. Ngay từ đầu năm, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam này đã ghi dấu mốc quan trọng trên chặng đường phát triển với việc thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Việt Nam đến Mỹ.
Liên tiếp từ đó đến nay, Vietjet mở thêm nhiều đường bay kết nối Hà Nội đi Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải (Trung Quốc); từ TP.Hồ Chí Minh đi Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), TP.Hồ Chí Minh đi TP Hyderabad, Bangalore (Ấn Độ), TP.Hồ Chí Minh đi Nagoya, Fukuoka (Nhật Bản), Phú Quốc đi Singapore…
Hãng cũng đang có kế hoạch tiến xa hơn tới châu Âu trong thời gian tới. Các đường bay không chỉ xuất phát từ 2 cửa ngõ TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội mà tập trung bay thẳng tới các điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…
Cùng với hoạt động mở rộng đường bay, Vietnam Airlines trong tháng 4 vừa qua đã ký kết biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Vietcombank về việc hợp tác thu xếp vốn cho dự án mua 50 máy bay thân hẹp, tổng mức đầu tư hơn 92.000 tỷ đồng.
Đến tháng 6, tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Pháp, trong khuôn khổ chuyến công tác của đoàn Chính phủ Việt Nam làm việc với các đối tác tại Pháp, Vietnam Airlines và Ngân hàng ING đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác tài chính với tổng giá trị tài trợ lên tới 1,5 tỷ USD...
Trong khi đó, hồi tháng 5 Vietjet cũng đã đặt mua đơn hàng mới với Airbus cho 20 máy bay thân rộng A330-900, phục vụ cho kế hoạch phát triển thời kỳ mới của hãng hàng không trong thập kỷ tới.
Gần đây, tại Triển lãm hàng không Paris 2025, Vietjet và Rolls-Royce đã chính thức ký kết đặt hàng thêm 40 động cơ Trent 7000 để vận hành 20 máy bay thân rộng Airbus A330neo.
Ngoài hai “ông lớn” trên, mới đây, hãng hàng không Vietravel Airlines cũng có bước tiến mới khi vừa nhận máy bay Airbus A321 đầu tiên thuộc quyền sở hữu. Máy bay mang số hiệu VN-A129, sức chứa 228 ghế, được đưa vào khai thác ngay đầu tháng 7.
Với Bamboo Airways, vào cuối tháng 5, hãng đã thông qua hợp đồng thuê ướt tàu bay ký kết với BBN Airlines Indonesia - công ty thành viên thuộc Tập đoàn Avia Solutions Group để đưa thêm tàu bay vào khai thác, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách trong dịp cao điểm Hè 2025.
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 9,1 triệu lượt người, chiếm 85,2% lượng khách quốc tế đến và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 1,4 triệu lượt người, chiếm 13,1% và tăng 10,9%; bằng đường biển đạt 181,4 nghìn lượt người, chiếm 1,7% và tăng 10%.