
Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố ngày 5/7, 6 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán, đặc biệt là chính sách của Hoa Kỳ và phản ứng của các nước; gia tăng bất ổn về địa chính trị và xung đột quân sự lan rộng ở nhiều quốc gia; căng thẳng thuế quan giữa Hoa Kỳ và các nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nguy cơ chiến tranh thương mại đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; thách thức đối với đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng… ngày càng gia tăng. Lạm phát vẫn ở mức cao so với mục tiêu của các Ngân hàng Trung ương, điều kiện thị trường tài chính thắt chặt hơn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng suy giảm.
Nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 so với dự báo đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hợp quốc (UN) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 đạt lần lượt là 2,3% và 2,4%, cùng điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 1/2025; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 2,9%, điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2025. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,8%, điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2025. Riêng tổ chức Fitch Rating (FR) dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 2,2%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2025.
Trong khu vực, WB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Philippines đạt 5,3%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với năm trước; Indonesia đạt 4,7%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm; Thái Lan đạt 1,8%, thấp hơn 0,7 điểm phần trăm; riêng Việt Nam đạt 5,8%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Philippines đạt 5,5%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2024; Indonesia đạt 4,7%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm; Thái Lan đạt 1,8%, thấp hơn 0,7 điểm phần trăm; Malaysia đạt 4,1%, thấp hơn 1,0 điểm phần trăm; Việt Nam đạt 5,4%, thấp hơn 1,7 điểm phần trăm.
OECD dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam đạt 6,2%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với năm 2024; Philippines đạt 5,6%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm; Thái Lan đạt 2,0%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm.
Trong nước, với quyết tâm cao nhất để huy động và khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, trong một thời gian ngắn, cả hệ thống chính trị đã tập trung hoàn thành khối lượng công việc rất lớn để triển khai thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy Chính phủ, sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật liên quan, quy định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; triển khai các Nghị quyết lớn của Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân,…
Cùng với việc theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế – xã hội quý II và sáu tháng đầu năm 2025 của nước ta đạt được kết quả rất tích cực, tiệm cận mục tiêu đề ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 5,19% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,97%, đóng góp 43,63%; khu vực dịch vụ tăng 8,46%, đóng góp 51,18%.
GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế có sự đóng góp của cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2025, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2024, đóng góp 84,20% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,98%, đóng góp 40,18%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,01%.