Thông tin về gói tín dụng mới dự kiến nói trên được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo tình hình triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.
Theo đó, ngoài gói 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).
"Gói ưu đãi này sẽ tạo thêm động lực cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp vay tiền mua nhà", Bộ Xây dựng nhận định.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng “ế ẩm”
Gói tín dụng ưu đãi mới được Bộ Xây dựng đề cập trong bối cảnh gói 120.000 tỷ đồng sau hơn một năm mới giải ngân được chưa tới 1%, tức khoảng 1.144 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.100 tỷ cho chủ đầu tư tại 11 dự án, còn lại là người mua nhà.
Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện có thêm TP Bank, VPBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.
Về nguyên nhân gói tín dụng này giải ngân chậm, theo Ngân hàng Nhà nước, do quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.
Trong khi đó, bản thân Bộ Xây dựng cũng đánh giá lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, đa phần doanh nghiệp chủ đầu tư lớn thời gian qua chỉ tập trung xây khu đô thị, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà không quan tâm đầu tư nhà xã hội, khiến nguồn cung thiếu hụt.
Trước kết quả giải ngân thấp, ít cải thiện nhiều tháng qua, các chuyên gia lo ngại gói 125.000 tỷ đồng cho nhà xã hội tiếp tục ế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết nguyên nhân cốt yếu là gói tín dụng này "chưa phù hợp với người dân". Dù Ngân hàng Nhà Nước đã hai lần điều chỉnh hạ lãi suất, hiện còn 8% một năm với doanh nghiệp và 7,5% mỗi năm với người mua nhà, đây vẫn là mức khá cao. Mức lãi này còn được điều chỉnh 6 tháng một lần, sau đó thả nổi khiến người mua nhà xã hội "bất an nên ngại vay".
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá chính sách tín dụng cho nhà ở xã hội, nhà giá rẻ "gần như thất bại và cho thấy bước lùi về phát triển nhà ở". Điều này khiến thực trạng khủng hoảng phân khúc, thiếu nhà vừa túi tiền, thừa nhà cao cấp thêm trầm trọng. Ông Nghĩa đánh giá "không thể chỉ dựa vào ngân hàng để đẩy nhà ở xã hội lên".
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng ngân hàng cấp vốn vay ưu đãi nhưng cũng là doanh nghiệp, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Do đó, "không thể bắt họ cho vay lãi suất thấp khi họ đi vay người khác lãi suất trên 5%". Theo ông, việc chậm giải ngân gói 125.000 tỷ đồng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đề án xây một triệu căn nhà xã hội. Trong giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành gần 38.000 căn, đạt gần 9% kế hoạch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói tín dụng mới về đề xuất này của Bộ Xây dựng.
Về tình hình phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết đến nay có 30 địa phương công bố danh mục 72 dự án đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng. Một số địa phương có nhiều dự án như Hà Nội (6 dự án), TP HCM (6), Bắc Ninh (6), Bình Định (5)...
Đến nay, 503 dự án nhà xã hội đang triển khai trên cả nước, tăng 4 dự án so với cách đây hai tháng.Trong đó, 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn, tăng ba dự án với hơn 1.700 căn so với hai tháng trước.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương còn hạn chế. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ triển khai thấp so với mục tiêu đề án, dù tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An...
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các bộ Công an, Quốc phòng, mỗi bộ hoàn thành 5.000 căn nhà ở xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây 2.000 căn trong năm nay. Bộ Tài chính cũng cần xây dựng phương án phát hành trái phiếu chính phủ để hỗ trợ lãi suất cho phân khúc này.