Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2023, giá học phí, giá điện sinh hoạt và giá gạo tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 3,58% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,12% của CPI tháng 12/2023 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
CPI bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% so với quý IV/2022. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Lạm phát cơ bản tháng 12/2023 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn
Đánh giá về việc kiểm soát thành công lạm phát năm 2023, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng: "CPI năm 2023 tăng 3,25% là mức lạm phát phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm qua. Kết quả này là điểm sáng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thị trường hàng hóa thế giới nhiều biến động, các quốc gia trên thế giới phải nỗ lực để kiểm soát lạm phát. Mức lạm phát này sẽ tạo đà cho kiểm soát lạm phát năm 2024".
Để kiểm soát được mức lạm phát dưới mục tiêu đề ra, bà Oanh cho biết, trước hết là nhờ những giải pháp chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng của Chính phủ. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và qua đó giúp kiềm chế lạm phát của năm 2023.
Bên cạnh đó, trong năm qua, chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022 theo biến động của giá thế giới, làm CPI chung giảm 0,4 điểm phần trăm; dầu hỏa giảm 10,02%; chỉ số giá nhóm gas cũng giảm 6,94% so với năm 2022, làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm.
Ngoài ra, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhóm hàng có tác động lớn tới CPI, chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư, thường xuyên được các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá, do đó đã giúp cho kiềm chế tốc độ tăng của CPI.
Nói về áp lực năm 2024, bà Oanh cho rằng, các nhận định cho thấy trong năm tới, kinh tế thế giới và trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tổng cầu có thể chưa tăng nhiều nên chưa tạo áp lực quá lớn đến lạm phát. Do đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 của Quốc hội ở mức 4-4,5% là khả thi.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá lưu ý, tình hình thế giới năm 2024 vẫn khó lường, theo dự báo mới nhất của IMF, lạm phát toàn cầu năm 2024 tuy có hạ so với 2023 nhưng vẫn ở mức 5,8%.
Theo phân tích của bà Oanh, lạm phát của Việt Nam năm 2024 chủ yếu vẫn do chi phí đẩy. Điều này có thể tạo áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất, qua đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng lên cao.
Cùng với đó, diễn biến của các cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas vẫn khó lường, có thể làm ảnh hưởng đến biến động giá năng lượng, gây đứt gãy chuỗi cung ứng... gián tiếp tác động đến lạm phát của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc tăng giá điện lần thứ hai của EVN vào tháng 11/2023 có thể tác động trễ sang năm 2024. Đồng thời, giá điện trong năm 2024 có thể tăng tiếp do nhu cầu tăng cao và ảnh hưởng của El Nino,...
Giá gạo hay giá các dịch vụ giáo dục, y tế - vốn chiếm quyền số lớn trong cơ cấu tính giá CPI - cũng có thể tăng trong năm 2024. Ngoài ra, từ tháng 7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng, khả năng khiến giá hàng hóa tăng, qua đó tăng áp lực lạm phát...
Để kiểm soát lạm phát năm 2024, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho rằng, cần theo dõi kịp thời diễn biến của tình hình kinh tế thế giới, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đặc biệt, đảm bảo cung ứng, lưu thông các hàng hóa chiến lược như xăng dầu, lương thực. Đồng thời, cần có lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá để tránh các tình huống bị động.