Phát biểu tại hội trường phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng ngày 1/11, ông Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, qua các số liệu thống kê đã công bố, nền kinh tế của nước ta đang khó khăn, các con số tăng trưởng GDP và phát triển doanh nghiệp đều ở mức rất thấp trong lịch sử các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế không phát huy như kì vọng.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận thấy, nền kinh tế của nước ta vẫn nhiều điểm sáng, lạm phát kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá tương đối ổn định, bất chấp sức ép từ bên ngoài đang gia tăng. Ngoài ra, khu vực công nghiệp cũng dường như đảo ngược được xu hướng suy giảm hồi đầu năm và đang từng bước được phục hồi. Tốc độ sụt giảm của xuất khẩu cũng đang chậm dần. Đầu tư nước ngoài đang có những tín hiệu tích cực… Do đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc hy vọng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt được mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.
Để phục hồi, phát triển kinh tế, đại biểu khẳng định, điều quan trọng là cải cách thể chế, “thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được”.
Vì vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập. Đồng thời, phải gỡ bỏ tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp.
Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu và đặt ra giới hạn để tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Cũng tại bài phát biểu, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đồng thời phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ đang làm vì lợi ích chung, trong đó có yêu cầu phải luật hóa qua các quy định về vấn đề này. Trong thời điểm khủng hoảng thì giải pháp kinh điển trực diện có thể phát huy hiệu quả trực tiếp, nhanh nhất là hoạt động bơm tiền của nền kinh tế.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, trước những chuyển dịch địa chính trị, địa kinh tế và cạnh tranh chiến lược trên thế giới, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã chủ động triển khai những hoạt động đối ngoại đỉnh cao ở tầm chiến lược để có thể hóa giải các thách thức và triển khai việc xây dựng các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đối với tất cả cường quốc lớn.
“Các kết quả hoạt động đối ngoại trong thời gian qua đã là một minh chứng khẳng định sự tôn trọng của các nước lớn và cộng đồng quốc tế đối với vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và uy tín cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và điều đó đã mở ra cho chúng ta những cơ hội để trở thành trung tâm, nơi đối thoại của các đối thoại hòa bình và là điểm đến của các dòng dịch chuyển về thương mại, đầu tư với chất lượng cao trên thế giới”, ông Lộc nói.
Cần quyết liệt “thanh toán những món nợ” về thể chế
Cũng đưa ra quan điểm liên quan đến thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền linh tế, ông Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế đang được triển khai chậm, chưa mang lại thay đổi đáng kể về cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng, tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế được thực hiện chậm, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển.
Đại biểu cho rằng, để đạt được những mục tiêu đề ra, cần tham gia tích cực và sâu rộng vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải xây dựng xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số, vượt thoát bẫy thu nhập trung bình và bẫy nợ công, thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thoát khỏi mô hình chủ yếu xuất khẩu tài nguyên, lao động gia công giá rẻ.
Đại biểu cho rằng, trong khi đang nỗ lực đồng hành với thế giới trong cuộc cách mạng số, nhiều nội dung trong thể chế, hạ tầng, nhân lực nước ta vẫn còn chưa đạt được tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật của nền công nghệ 2.0, 3.0. Chúng ta vẫn chưa có thể chế, hạ tầng nhân lực cơ bản của một quốc gia công nghiệp hóa.
“Cần quyết liệt “thanh toán những món nợ” về thể chế, hạ tầng, nhân lực của các giai đoạn phát triển trước mà chúng ta còn thiếu, việc này cũng quan trọng không kém các nỗ lực số hóa nền kinh tế”, ông Nghĩa nói.